Năm 2010, bà Kha Ngọc Chi, vợ cựu thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, qua đời sau nhiều lần đột quỵ, thọ 89 tuổi. Tại lễ tang của bà vào ngày 6/10 năm đó, ông Lý đã kể lại chuyện tình đẹp của họ từ lúc còn trẻ đến khi về già, từ những ngày gian khó cùng nhau ở Anh đến khi trở về Singapore trong điếu văn đầy xúc động. Bài điếu như một thước phim quay chậm cuộc đời của cựu thủ tướng, cạnh ông luôn có bóng dáng của người vợ thông minh và đảm đang.
VnExpress lược dịch điếu văn đăng trên trang AsiaOne của Singapore có tựa đề: "Lời từ biệt cuối cùng dành cho vợ".
Người xưa tổ chức tang lễ để gia đình và bạn bè cùng nhau chia sẻ nỗi buồn đau, mất mát. Thay vì sợ hãi trước cái chết, họ bày tỏ lòng thành kính của mình với người đã khuất và mang tới sự khuây khỏa cho người còn sống.
Tôi còn nhớ lễ tang bà ngoại cách đây 75 năm. Suốt năm đêm liền, cả gia đình quây quần bên nhau than khóc, dưới sự dẫn dắt của một người khóc mướn chuyên nghiệp. Những đám tang như thế giờ không còn nữa. Nỗi buồn của gia đình tôi được thể hiện qua những câu chuyện riêng về vợ tôi.
Khi bà ấy bị đột quỵ lần đầu tiên vào tháng 10/2003, chúng tôi đã có dự liệu về điều chẳng lành. Tôi và vợ ở bên nhau từ năm 1947 và sống với nhau hơn nửa đời người. Nỗi đau buồn của tôi khi Chi qua đời thật không thể diễn tả thành lời. Nhưng hôm nay, khi kể lại cuộc sống cùng nhau của chúng tôi, tôi muốn ca ngợi cuộc đời của bà ấy.
Bố mẹ Chi không kỳ vọng tôi là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó tôi là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles, lại không nghề nghiệp ổn định. Tháng 9/1946, tôi quyết định tới Anh học luật, còn Chi trở lại Đại học Raffles để cố gắng là một trong hai người giành học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm. Tôi tới Anh và hy vọng cô ấy sang theo sau khi nhận được học bổng đó. Nếu Chi thất bại, chúng tôi sẽ phải xa nhau ba năm. Cuối cùng vào tháng 6/1947, cô ấy đã thành công.
Chúng tôi gắn với nhau từ đó. Tôi và Chi kết hôn bí mật vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon. Ở Đại học Cambridge, cả hai phải nỗ lực hết mình. Trở về Singapore, vợ chồng tôi làm trợ lý pháp luật cho công ty luật Laycock & Ong trên đường Malacca. Sau đó, chúng tôi chính thức kết hôn lần hai vào tháng 9/1950 theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè. Chi là luật sư thảo giấy tờ chuyển nhượng, sang tên tài sản, còn tôi chuyên về kiện tụng, tranh chấp.
Tháng 2/1952, đứa con trai cả của chúng tôi, Hiển Long, chào đời. Chi xin nghỉ việc ở nhà một năm để chăm con. Trong thời gian nghỉ sinh, Chi vẫn giúp tôi chỉnh sửa câu văn trong các bản thảo, giúp chúng trở nên đơn giản và rõ ràng. Qua nhiều năm, bà ấy ảnh hưởng tới phong cách viết của tôi. Giờ thì tôi viết những câu ngắn gọn với giọng điệu tích cực. Vợ chồng tôi cũng điều chỉnh thói quen của mình để hòa hợp với nhau.
Chúng tôi có thêm hai cháu, Vỹ Linh sinh năm 1955 và Hiển Dương sinh năm 1957. Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng. Công việc của một luật sư giúp bà ấy kiếm đủ tiền để tôi không còn cảm thấy lo lắng về tương lai của các con.
Chi nhìn thấy cái giá mà tôi phải trả vì không sử dụng thành thạo tiếng Trung lúc còn trẻ. Chúng tôi quyết định cho con học ở các trường nói tiếng Trung Quốc, từ bậc mẫu giáo tới các cấp cao hơn. Chi cũng đảm bảo việc các con học tiếng Anh và Malaysia ở nhà. Cách giáo dục con của bà ấy đã trang bị cho bọn trẻ hành trang để sống được ở một quốc gia đa ngôn ngữ.
Chúng tôi chưa từng cãi nhau về chuyện dạy dỗ con cái, cũng như các vấn đề tài chính. Cả hai cùng quản lý thu nhập và tài sản. Tôi và vợ là người bạn tâm tình của nhau.
Bà ấy có những niềm vui đơn giản. Chúng tôi sẽ đi bộ quanh khu vườn Istana vào buổi tối và tôi sẽ đánh vài đường golf để thư giãn. Khi có cháu, Chi hay dẫn chúng đi cho cá và thiên nga trong hồ ăn. Sau đấy, chúng tôi sẽ đi bơi.
Chi học chuyên ngành văn học Anh khi còn ở Đại học Raffles. Bà ấy rất say mê đọc và đọc mọi thứ. Lần đột quỵ đầu tiên khiến mắt trái của vợ tôi bị giảm thị lực. Điều này ảnh hưởng tới việc đọc của Chi. Để khắc phục, Chi đọc cùng một chiếc thước kẻ.
Tối nào bà ấy cũng bơi để giữ gìn sức khỏe. Dù bị đột quỵ nhưng vợ tôi vẫn sát cánh cùng chồng và sống tích cực. Bà ấy cũng giữ mối liên hệ với gia đình và những người bạn cũ. Chi nghe những đĩa nhạc cổ điển mà bà ấy sưu tập được. Vợ tôi còn phân chia cuộc đời mình một cách hài hước thành "trước đột quỵ" và "sau đột quỵ", giống như trước công nguyên và sau công nguyên vậy.
Bà ấy thân thiện và quan tâm tới tất cả những người quanh mình. Chi hay đùa vui cùng các nhân viên an ninh và sửa cho họ ngữ pháp tiếng Anh hay cách phát âm sao cho thân thiện và vui vẻ. Những nhân viên này thường tới thăm Chi khi bà ấy nằm ở Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia. Tôi rất biết ơn họ.
Lần đột quỵ thứ hai hôm 12/5/2008 của Chi nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi động viên và khích lệ vợ, bên cạnh sự giúp đỡ của đội ngũ bác sĩ, y tá và các nhà trị liệu.
Các y tá, nhân viên an ninh và người giúp việc đều yêu quý bà ấy. Lúc ho, Chi cũng lấy một chiếc gối nhỏ để che miệng mình lại, tránh lây nhiễm cho người khác. Trí óc Chi vẫn minh mẫn còn giọng nói thì đã yếu hơn. Khi tôi hôn lên má vợ, Chi bảo tôi đừng ở quá gần, tránh lây bệnh viêm phổi của bà.
Tháng 7/2008, tôi đưa Chi về nhà sau khi kết quả chụp CT cho thấy não phải của bà ấy bị xuất huyết. Các bác sĩ hy vọng vợ tôi có thể sống thêm được vài tuần nữa. Cuối cùng, Chi ở bên tôi thêm hai năm, ba tháng, đến ngày 2/10/2010. Những tháng cuối đời, Chi không thể nói, nên hàng sáng, bà ấy luôn đợi tôi tới để nói chuyện.
Hai năm cuối đời là thời gian khó khăn nhất của Chi. Bà ấy nằm liệt giường sau nhiều lần đột quỵ liên tiếp. Hàng đêm, Chi sẽ đợi tôi đến ngồi cạnh để kể cho bà ấy nghe ngày hôm nay của tôi như thế nào và đọc cho bà ấy những bài thơ yêu thích. Rồi sau đó, Chi chìm vào giấc ngủ.
Tôi có nhiều kỷ niệm quý giá trong suốt 63 năm chúng tôi chung sống. Nếu không có Chi, tôi sẽ là một người đàn ông khác, có một cuộc đời khác. Bà ấy đã dành cả đời mình cho tôi và các con. Chi luôn ở bên mỗi khi tôi cần. Bà ấy sống một cuộc sống đầy ắp sự ấm áp và ý nghĩa.
Tôi thấy được an ủi vì bà ấy đã sống vui vẻ gần 90 năm cuộc đời. Nhưng ở giây phút này, trái tim tôi nặng trĩu nỗi buồn đau.
Bình Minh (lược dịch)