Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 14/2/2017, 00:47 (GMT+7)

Chuyện tình của cặp đôi tí hon bán vé số ở Sài Gòn

Chỉ cao 1,2 -1,3 m lại mưu sinh với nghề bán vé số ở Sài Gòn, chàng trai miền Tây và cô gái miền Trung đã về ở chung mái nhà sau hơn nửa năm yêu nhau.

Hàng ngày, trên chiếc xe lăn tự chế, anh Nguyễn Văn Lượng (27 tuổi, quê Đồng Tháp) và vợ Nguyễn Thị Thu Đào (25 tuổi, quê Bình Định) cùng nhau đi bán vé số. Người đi đường dễ ấn tượng bởi thân hình nhỏ nhắn của vợ chồng trẻ.

Chị Đào chỉ cao 1,2 m, còn người chồng thì cao 1,3 m. "Anh chị em tôi ai cũng bình thường, chỉ riêng mình là mang phận tí hon không rõ nguyên nhân", chị Đào nói. Tương tự, ba mẹ anh Lượng cũng bình thường nhưng khi sinh ba người con đều bị hội chứng lùn.

Nghỉ học từ năm lớp 6, khi 18 tuổi, anh Lượng lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Đầu năm 2014, trong một lần lạc đường, chàng trai miền Tây quen người vợ hiện tại. Nhận thấy sự đồng cảm, anh chủ động xin số điện thoại làm quen.

"Sau khi quen, tôi chủ động rủ cô ấy đi dạo công viên, uống nước và cùng nhau đi bán vé số. Cứ vậy, mỗi ngày tôi đều chở nàng đi bán từ quận 11 qua Bình Tân. Tôi cảm mến Đào từ những lần gặp gỡ đầu tiên rồi. Gần một năm trời như vậy, tôi mới dám thổ lộ tình cảm, hỏi thẳng: Em có muốn làm bạn gái anh không?", anh Lượng tâm sự.

Như bao cô gái khác, Đào e thẹn không nói gì. "Mình cũng mến anh ấy nhưng từ ngày vào Sài Gòn chỉ lo nghĩ kiếm tiền, ai nghĩ gì yêu đương. Hơn nữa, nghĩ cảnh hai người lùn tịt vầy yêu nhau người ta cười cho, nên lưỡng lự suốt mấy tháng trời. Mình càng phân vân, anh ấy càng "tấn công" mạnh nên 4 tháng sau ngày ngỏ lời thì hai đứa yêu nhau", chị Đào chia sẻ.

Khi yêu nhau, anh Lượng luôn chăm chút người yêu hết mình. Anh chuyển hẳn nhà trọ gần chỗ bạn gái để tiện chăm sóc. Cuối năm 2015, chị Đào dẫn bạn trai về quê ra mắt ba mẹ. Nào ngờ, gia đình phản đối. "Tôi phải về mất ba bận mới thuyết phục được gia đình cô ấy cho cưới. Ngày 20/10 năm ấy, chúng tôi nên duyên vợ chồng thông qua đám cưới tập thể", anh Lượng nhớ lại.

Về chung một mái nhà, họ thuê căn nhà trọ nhỏ nằm sâu trong con hẻm 230 đường Mã Lò (quận Bình Tân) với giá 1,4 triệu một tháng. 

Năm 2016, chị Đào mang thai nhưng khi sinh được 5 giờ thì cháu bé qua đời. "Bác sĩ bảo vợ tôi sức đề kháng rất yếu nên đứa con cũng không được khỏe mạnh. Con mất, hai vợ chồng buồn lắm nhưng cái số nó vậy. Các bác sĩ cũng khuyên chúng tôi không nên sinh nữa vì khả năng chết non cao", anh Lượng tâm sự.

Sức khỏe chị Đào yếu dễ ốm đau, trong khi anh Lượng cũng bị bên mắt phải không nhìn thấy từ nhỏ. Con mắt còn lại, mỗi khi trời nắng chói cũng bị lóa, tầm nhìn hạn chế.

Mỗi ngày, hai vợ chồng lấy 150 tờ vé số về bán. Anh vô mời khách, còn chị ngồi trên xe lăn được người ta cho mượn tạm. "Tôi biết cặp đôi tí hon này lâu rồi, cứ thấy họ đi ngang qua là gọi lại mua vài tờ. Nhiều khi xe họ hư mình cũng sửa miễn phí luôn", anh Huỳnh Quốc Trung (40 tuổi, thợ sửa xe, quận Bình Tân) cho biết.

Giữa trưa và buổi chiều hai vợ chồng lại về nhà trọ nghỉ ngơi, lo chuyện cơm nước. Chị Đào chỉ đi chợ một bữa ăn cho cả ngày.

Bữa cơm lúc nào cũng đạm bạc, họ cố gắng chỉ ăn không quá không quá 60.000 đồng một ngày. "Ăn uống tiết kiệm vậy mà nhiều khi cũng không đủ chi xài nhất là khi ốm đau. Cũng may có người cho gạo nên đỡ được phần nào", người vợ cho biết.

Anh Lượng thú nhận, gánh nặng cơm áo chật vật nên những món quà, cử chỉ lãng mạn với vợ trong ngày Valentine gần như không tồn tại. "Vợ cũng hiểu điều ấy chứ. Hai người giờ chỉ cố gắng lo làm ăn. Nhiều khi bán vé không hết, vợ chồng có cãi nhau nhưng đâu lại vào đó. Bây giờ nếu có số vốn, tôi sẽ chuyển sang bán cá viên chiên. Vé số truyền thống lúc này ế hơn trước mà phải đi lại nhiều trong khi sức khỏe chúng tôi thì yếu", anh bộc bạch.

Quỳnh Trần