![]() |
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Tú - Phạm Kỳ Nam. |
Chuyện tình của chúng tôi giống như những gì diễn ra trên màn ảnh. Khi bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật, thì tôi được đạo diễn Trần Hoạt giao cho vai Hương Giang trong vở Tiền tuyến gọi. Bản thân tôi mới chập chững vào nghề diễn, vẫn còn non nớt lắm nhưng nhân vật Hương Giang đã được nhiều người yêu mến. Hồi đó, vở Tiền tuyến gọi là sự kiện của sân khấu thủ đô. Chính vì thế, rất nhiều người mong muốn được xem và thấy mặt con bé Thanh Tú như thế nào. Anh Kỳ Nam đến với vở diễn cũng vì tâm lý đó.
Tôi biết cái tên Phạm Kỳ Nam từ lâu, hồi ấy anh rất nổi tiếng trong làng điện ảnh. Sau bộ phim Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, anh đã giúp Phi Nga và Trà Giang trở nên nổi tiếng nên nhiều diễn viên trong ngành ngưỡng mộ. Bản thân tôi cũng vậy nhưng chẳng bao giờ mơ ước được xuất hiện trong phim của Kỳ Nam. Lúc ấy, nếu có mơ ước, người ta cũng sẽ cho là hão huyền, bởi người ta chỉ lấy một diễn viên điện ảnh đi đóng phim chứ không ai chọn một diễn viên sân khấu. Sau này, có người dẫn Phạm Kỳ Nam đến nhà tôi. Anh ấy bảo vẻ hồn nhiên và đôi mắt của tôi phải thuộc về điện ảnh. Lúc đó, tôi cũng chẳng suy xét xem điều đấy có đúng hay không hay là "bài" của người đàn ông đang tìm cách chinh phục mình.
Để đến được với Thảo - cô thôn nữ là du kích trong Biển lửa, thì cả tôi và Phạm Kỳ Nam đã phải vượt qua rất nhiều áp lực. Khi ấy, lớp diễn viên trẻ khoá I vừa ra trường, rất nhiều người chờ được phân vai nhưng anh lại chọn tôi, một diễn viên sân khấu chưa bao giờ xuất hiện trước ống kính máy quay. Vai diễn không có gì đặc biệt, nhưng là bước đệm để tôi gia nhập làng điện ảnh. Trong khi làm Biển lửa, tình cảm của chúng tôi nảy sinh. Nói cách khác là Kỳ Nam đã chinh phục được tôi. Chuyện tình của chúng tôi rất nhiều người dèm pha, dị nghị. Bố mẹ tôi thì ra sức ngăn cản tôi không được đến với một người đã có một đời vợ và đang phải nuôi con thơ. Nhất là các cụ sợ Kỳ Nam hơn tôi 14 tuổi thì sau này cuộc sống hai vợ chồng sẽ không hoà hợp. Khi bố mẹ đi sơ tán, tôi đã viết một lá thư dài 9 trang để thuyết phục hai cụ. Trước sự quyết tâm của tôi, các cụ thấy gia đình anh cũng thuộc hàng "danh gia vọng tộc" nên tôi mới được đến với anh. Thời bấy giờ các cụ rất phong kiến. Nhà Kỳ Nam là nhà Đông Quân Dư, nhà tôi là nhà Thuận Nguyên và đó là lý do duy nhất khiến bố mẹ tôi chấp nhận Kỳ Nam. Các cụ bảo "gái tham tài, trai tham sắc", và tôi cũng không là ngoại lệ. Khi ấy sự ngưỡng vọng cái tài của anh khiến tôi chọn anh nhiều hơn là thần tình yêu dẫn đường chỉ lối. Ở cái tuổi mười tám đôi mươi, tôi thì chẳng có tên tuổi gì nhưng nhiều người theo đuổi lắm. Đến khi tôi yêu Phạm Kỳ Nam thì mọi người đều ngỡ ngàng. Chẳng ai tin là tôi sẽ lấy anh.
Kỳ Nam được học bài bản bên Pháp nên anh ấy làm phim cũng rất bài bản, học thuật. Đặc biệt, anh tôn trọng diễn viên. Trước mỗi cảnh quay, anh hỏi diễn viên có mấy phương án thể hiện, rồi anh đưa ra ít nhất là hai cách để người diễn viên thử và chọn cho mình cách tốt nhất. Có điều khác với nhiều người là anh Nam làm được tất cả các công việc trong đoàn làm phim. Từ quay phim, chọn góc máy, ánh sáng đến trang trí bối cảnh. Anh cũng diễn khá tốt nhưng chỉ có điều không bao giờ muốn xuất hiện trước ống kính.
Sống với Kỳ Nam, tôi ấn tượng nhất là cách làm việc và cách tiêu tiền của anh ấy. Khi làm ra làm, chơi ra chơi. Nhiều khi anh chơi cả tuần nhưng khi làm thì vùi đầu vào không kể ngày đêm. Anh ấy tiêu tiền cũng thế. Đồng tiền đáng tiêu thì một tỷ anh ấy cũng tiêu nhưng việc gì không đáng tiêu thì một xu anh ấy cũng không chịu bỏ ra. Tôi rất nể tính cách rõ ràng minh bạch của anh.
Chúng tôi gặp nhau năm 1964, yêu nhau hai năm thì cưới. Anh ấy như cục nam châm, còn tôi như miếng sắt đang chơ vơ giữa làng nghệ và cuộc đời. Tuy anh lớn hơn tôi hơn một giáp nhưng tính cách anh rất trẻ nên chúng tôi hợp nhau trong công việc và cả trong cuộc sống. Tuy nhiên, nổi tiếng, lắm tài vặt nên anh khá đào hoa. Dù có vợ con nhưng rất nhiều người theo đuổi. Bản thân tôi thì quá tự tin nên mọi chuyện diễn ra không theo ý muốn của mình. Tôi đã bị anh ấy chê.
Trước khi ly hôn, chúng tôi đã ly thân, tôi về nhà mẹ ở. Một hôm, tôi đến gặp Kỳ Nam, nhìn anh không nói được gì chỉ khóc. Anh hỏi tôi: "Em muốn ly hôn à?". Tôi gạt nước mắt và bảo: "Em cũng muốn đặt dấu chấm hết để thoát ra khỏi cuộc sống khắc khoải này". Dù rằng trước khi gặp anh tôi muốn nói những điều ngược lại. Kết cục là chúng tôi chia tay, một cuộc chia tay thoải mái và yên bình nhất trong những cuộc chia tay của loài người.
Ngày 12/2/1984, trước khi đi TP HCM công tác, Phạm Kỳ Nam tới thăm tôi, anh ấy dặn dò tôi một số thứ, còn tôi thì vá cho anh cái gấu quần rách. Tôi không ngờ đó là buổi cuối cùng tôi gặp anh. Một tháng sau, người ta gọi điện thông báo cho tôi là anh bị đột tử. Tôi còn rủa thầm người nào đùa ác thế, anh ấy có bị bệnh huyết áp hay tim mạch đâu. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Con trai tôi vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy cha nó nữa.
Kỳ Nam xây dựng những chuyện tình, còn tôi thể hiện nó, phải chăng vì thế mà chuyện tình của chúng tôi cũng na ná như những gì diễn ra trên màn ảnh. Chỉ tiếc... có lẽ, tất cả là tại tôi quá bồng bột từ khi còn thiếu nữ cho đến khi lục tuần vẫn còn bồng bột. Tôi cũng là người vô tâm, nhưng xa Kỳ Nam nhiều khi tôi thấy cô đơn và lạc lõng. Hơn hai mươi năm từ giã anh ấy nhưng đến giờ tôi vẫn còn cái cảm giác cô đơn ấy.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)