Hiện nay, có hai phương pháp chính để chuyển tiền toàn cầu: từ tài khoản ngân hàng đến tài khoản ngân hàng và thông qua các kênh chuyển tiền cá nhân... Cả hai tùy chọn này đều có hạn chế ở thời gian thực hiện tiến trình và chi phí cao do nhiều hoạt động thu phí trung gian.
Đối với các công ty chuyển tiền và tài chính, giao dịch của người dùng còn phải kèm theo các quy định như kiểm toán bổ sung, chứng nhận tín dụng, xác minh danh tính. Nhiều tài khoản chuyển bị đóng do không cung cấp các giấy tờ cần thiết, hoặc người dùng bị đánh giá "rủi ro cao".
Trước tình hình trên, công nghệ blockchain được xem là một trong những giải pháp của thị trường. Mạng thanh toán toàn cầu dựa trên blockchain cho phép tiền chuyển nhanh chóng và phí giao dịch rẻ hơn. Theo tính toán của một chuyên gia fintech, mức giảm do hạn chế nhiều phí hoa hồng cho các dịch vụ trung gian.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, ước tính có 1,7 tỷ người trên toàn thế giới không thể chính thức chứng minh danh tính của họ. Họ hoàn toàn có thể bị loại trừ khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và không thể thực hiện giao dịch chuyển tiền. Một số dự án công nghệ đang giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các công cụ để lưu trữ các định danh như giấy khai sinh hoặc giấy phép lái xe trong cơ sở dữ liệu blockchain.
Giải quyết quy trình tuân thủ KYC - AML
Những nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn rửa tiền và giao dịch bất hợp pháp rất tốn kém cho các công ty, đặc biệt là với các tổ chức nhỏ và vừa. Theo báo cáo fintech toàn cầu năm 2017 của PWC, những rào cản pháp lý của quy trình xác định danh tính khách hàng (KYC) khiến các ngân hàng lớn phải chi tới 4 tỷ USD mỗi năm, vì nhiều khâu hiện nay vẫn phải thực hiện thủ công.
Cũng theo báo cáo của PWC, 48% những người trả lời khảo sát cho biết các quy định trong xác thực danh tính AML là rào cản cho sự đổi mới trong ngành tài chính hiện đại. 77% người tham gia khảo sát mong muốn áp dụng blockchain như một phần hệ thống sản xuất hoặc quy trình làm việc từ 2020.
Công nghệ blockchain có thể sử dụng như hệ thống sổ cái cho phép các thành viên độc lập cung cấp thông tin và sử dụng chung dữ liệu, tự động hóa các quy trình xác định danh tính, giảm thiểu sai sót thủ công. Một đăng ký thông tin khách hàng mới chỉ cần xác thực duy nhất trên các ngân hàng sử dụng chung hệ thống. Dữ liệu khách hàng sẽ được mã hóa và cập nhật gần như theo thời gian thực tới tất cả thành viên.
Công nghệ này còn cho phép lưu trữ và chuyển dữ liệu dễ dàng và an toàn hơn, giúp các tổ chức chứng minh việc tuân thủ quy định KYC - AML thông qua dữ liệu lịch sử hoạt động, đồng thời cũng hạn chế tối đa các hành vi gian lận, thao túng.
Hiện trạng kiều hối ở Việt Nam
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016
Theo ghi nhận của Công ty Kiều hối Bắc Á hiện nay, dịch vụ của các công ty kiều hối trong nước ngày càng được chú trọng để thu hút người tiêu dùng. Cơ chế thu hút kiều hối của Việt Nam hiện nay khá thông thoáng và nhiều dịch vụ ưu đãi, người nhận kiều hối không phải tốn khoản chi phí nào, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Tình hình kinh tế ở các nước có lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hiện nay khá tích cực. Mỹ có lượng kiều hối chuyển về lớn nhất, chiếm đến 60%, kế đến là châu Âu 19% và các châu lục khác chiếm 20% còn lại. Phần lớn kiều hối chuyển về được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh chứ không cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây.
Bắc Á Bank là một trong những đơn vị hiện hoạt động trong lĩnh vực kiều hối tại thị trường Việt Nam. Lãnh đạo nhà băng từng nhận định tiềm năng thị trường rất lớn, nhưng thực tế lợi nhuận phần lớn thuộc về các tổ chức quốc tế; các hình thức giao dịch với khách hàng chủ yếu diễn ra tại quầy, hình thức trực tuyến 100% chưa được chú trọng khai thác.
Trước tình hình đó, Công ty Kiều hối Bắc Á chủ động khai thác tiềm năng của thị trường, cung cấp dịch vụ nhận và chuyển kiều hối theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, trong đó online sẽ chiếm vai trò chủ đạo.
Ứng dụng chuyển tiền kiều hối
Mới đây, Công ty Kiều hối Bắc Á đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Zerobank. Qua đó Zerobank sẽ phát triển một ứng dụng chuyển tiền quốc tế phi thương mại trên hệ điều hành iOS và Android, sử dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh. Trong khi đó, Công ty Kiều hối Bắc Á sẽ đầu tư nguồn lực, chịu trách nhiệm kiểm tra, cung cấp phản hồi cho ứng dụng Zerobank và giúp cải thiện dịch vụ.
Phát biểu về dự án, ông Châu Vĩnh Huy - Phó giám đốc Kiều hối Bắc Á cho biết, áp dụng công nghệ blockchain trong ngành tài chính và ngân hàng là xu hướng trên toàn cầu. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việc áp dụng công nghệ blockchain có thể giúp cắt giảm chi phí hiệu quả và cải thiện bảo mật cho hệ thống ngân hàng.
Theo ông, Kiều hối Bắc Á hài lòng khi hợp tác với Zerobank - công ty được xây dựng và điều hành bởi đội ngũ chuyên gia nắm giữ các vị trí chiến lược tại các tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng công nghệ.
"Sự hợp tác của này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên trong việc tìm kiếm các giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ của chuyển tiền quốc tế", ông Vĩnh Huy nhấn mạnh.
Bảo An