Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước là một trong các kiến nghị được đề cập tại Hội nghị sơ kết về công tác xử lý nợ xấu sáng nay (28/8).
Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra giám sát ngân hàng, các ngân hàng thương mại quốc doanh đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng vốn điều lệ. Nguyên nhân là Nghị quyết của Quốc hội không cho phép sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Nguồn ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng không có trong danh sách đầu tư trung hạn.
Theo đó, đại diện cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung theo hướng cho phép các ngân hàng này được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn.
Đại diện một trong bốn "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, tình trạng thiếu vốn của bản thân Vietcombank nói riêng và ba ngân hàng có vốn Nhà nước nói chung đang "cấp bách hơn bao giờ hết". Chủ tịch Vietcombank cho biết, nếu ngân hàng này áp dụng Basel II, tỷ lệ an toàn vốn sẽ xuống sát mức tối thiểu, điều này sẽ làm thu hẹp dư địa trong tăng trưởng tín dụng.
Sức ép từ việc gia tăng nền tảng vốn trước khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II về quản lý rủi ro đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tăng vốn gấp 1,8 – 2 lần so với hiện tại để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Riêng với các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, áp lực này còn cao hơn nhiều lần khi gần đây, vốn điều lệ của họ “dậm chân tại chỗ”. Năm 2016, cả BIDV và VietinBank đều mong muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên đề nghị này sau đó đã bị Bộ Tài chính khước từ với lý do ngân sách eo hẹp. Cùng năm này, Vietcombank lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược GIC nhưng việc thực hiện đến nay vẫn chưa có bước tiến khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với một số điều khoản, đặc biệt về giá.
"Vừa qua, Vietcombank được cho phép phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán. Giá phát hành không thấp hơn giá trị trường và định giá, nhưng cổ đông chiến lược nếu mua sẽ bị điều khoản hạn chế chuyển nhượng trong một năm", ông Thành nói và cho rằng, những quy định này khiến việc đàm phán và chào bán cho các đối tác trở nên khó khăn.
Trước những khó khăn về vấn đề vốn, ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép các ngân hàng quốc doanh được giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn.
Trả lời kiến nghị của đại diện Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Vietcombank, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận việc tăng vốn với các ngân hàng quốc doanh là "cấp bách" cần thực hiện ngay.
Theo Phó thủ tướng, ngoài Agribank đang chuẩn bị cho quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ của Vietcombank và BIDV cần được triển khai ngay trong năm nay. Trong khi đó, VietinBank đã kín "room" ngoại để có thể tăng vốn qua chào bán riêng lẻ.
Minh Sơn