“Ai cũng chỉ tìm cách để đủ ăn, tâm sức đâu mà nghĩ chuyện đi chơi”, là ký ức của hầu hết những người từng trải qua thời bao cấp. Là một trong số những người có cơ hội đi nhiều khi còn trẻ, bà Lê Hạnh (58 tuổi, Hà Nội) kể, thời đó chủ yếu đi nghỉ mát vào dịp hè, do các cơ quan, công đoàn tổ chức, tại biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Hạ Long...
Phương tiện đi du lịch chủ yếu là xe ca, loại chở trên 30 người, nhưng số người trên xe thường đông hơn. Xe cũ, không điều hoà, cửa sổ mở. Đường xấu, ổ gà, ổ voi, xóc lên, xóc xuống nên đi lại bao giờ cũng là nỗi kinh hoàng của mỗi chuyến nghỉ mát. Còn nếu đi xa hơn vào các tỉnh phía nam, người dân thường đi tàu hỏa. Từ Hà Nội vào Sài Gòn nhanh nhất là 72 giờ, chứ không phải 32 giờ như hiện nay.
Đi chơi cực nhưng mà vui
Nhớ về quãng thời gian trước 1986, ông Nguyễn Tự Lực (62 tuổi, Hà Nội) cho biết lương giáo viên khi đó chỉ được vài đồng, chia ra hào mắm, hào muối... nên không có tiền tự đi du lịch.
Năm 1985, thầy Lực được trường cho đi Hạ Long, Quảng Ninh. Ôtô là xe cải tiến, lọc cà lọc cọc, đi trên đường trải đá, rất nóng và bụi. Nhưng ai cũng mang trong mình tâm trạng háo hức của chuyến đi xa, được xuống biển, ra vịnh. Cả đoàn nghỉ lại nhà cấp 4, túm tụm nhau trong gian phòng vừa nóng vừa chật, nhưng dù cực vẫn cảm thấy rất vui.
Giai đoạn 1976 đến 1986 là thời điểm khó khăn trong lịch sử Việt Nam, nhưng thầy Lực vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người vì được đi đây đi đó, trong khi “nông dân đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ ăn”.
Thầy kể về chuyến đi Đồ Sơn, Thanh Hoá cùng Huyện đoàn Đan Phượng. Trên đường về đến Hải Dương thì ôtô hỏng, cả đoàn đi bộ rất xa, vào xóm cũng chẳng kiếm được gì, đành ôm bụng đói ngủ lại ven đường tới sáng hôm sau. Một người phải đi nhờ xe tải về Hà Nội trong đêm để kêu thợ xuống sửa. “Nghĩ hồi đó đi chơi mà thấy cũng khổ, nhưng không có điện thoại nên đành chịu thôi”, thầy Lực chia sẻ.
Những chuyện tưởng như đùa mà có thật
Ông Lưu Đức Kế (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, 59 tuổi) công tác tại Công ty Du lịch Việt Nam từ năm 1979. Ông cho biết hồi bấy giờ cả nước có duy nhất công ty Du lịch Việt Nam, còn lại là các công ty trực thuộc (chi nhánh). Khách du lịch chia thành hai dạng, một là khách quốc tế đến từ khối xã hội chủ nghĩa (theo phương thức trừ nợ giữa các nước) hoặc là khách chuyên gia đến công tác, sau đó kết hợp đi du lịch. Hai là khối đoàn thể của các cơ quan, hàng năm có quỹ phúc lợi cho nhân viên đi nghỉ mát. Còn khách mua tour hầu như không có.
Hạ tầng Việt Nam thời điểm đó rất kém, đường sá sau chiến tranh chỉ toàn sỏi đá và ổ gà. Xe đi du lịch là xe hoán cải từ xe tải (chở khách nội địa) hoặc xe Liên Xô cải tiến (cho khách quốc tế), không có điều hoà nên lúc nào cũng phải mở cửa sổ, vừa ồn vừa nóng.
Những đoàn đi Cửa Lò phải khởi hành từ sáng sớm, tối mịt mới tới nơi. Với khách quốc tế, điểm đến ưa thích là Tam Đảo, Đà Lạt, Huế và Đã Nẵng, còn Đồ Sơn và Hạ Long chủ yếu là khách trong nước với bãi biển nhỏ hẹp chỉ vào khoảng 2 km.
Sau Đổi mới, khi có khách châu Âu vào, xe cộ và dịch vụ mới bắt đầu được nâng cấp. Ông Kế cũng chia sẻ, đi lại đã vất vả như thế, chuyện ăn, ngủ còn tệ hơn. “Khách sạn lúc đó không có nhiều nên vào mùa cao điểm, mình phải xin phòng của họ, chứ khách bình thường không bao giờ có chỗ. Có phòng rồi thì hai người một giường, nóng bức cũng phải chịu. Nhiều đoàn phải dựng lều trại bên ngoài điểm nghỉ mát, hoặc sáng đi đêm về, vất vả không để đâu cho hết. Khi đó khách sạn, ôtô có quyền chọn khách chứ mình thì không chọn được họ”.
Ăn lúc bấy giờ là tiêu chuẩn theo định lượng. Ông Kế cho biết một suất vào khoảng bao nhiêu đồng thì chia ra ngần ấy gram rau, từng đó gram thịt và thành những suất ăn đại trà cho tất cả khách.
“Riêng mua bia hay rượu, phải làm đơn trình giám đốc khách sạn, giám đốc duyệt thì mình mới được mua một chai”, ông nói. "Xăng còn phân phối theo tem phiếu nên trước khi đi tỉnh, đoàn phải xin được duyệt. Được cấp bao nhiêu thì mang cả can xăng lên xe, chạy trên đường vừa nóng vừa xóc rất nguy hiểm. Có những chuyện tưởng như đùa, mà đúng là đều xảy ra dưới thời bao cấp”.
Bà Nhung, 52 tuổi, Sài Gòn vẫn nhớ chuyến đi du lịch đầu tiên cùng cơ quan tới Đồ Sơn. Vì làm cho cơ quan nhà nước nên đoàn của bà được ưu tiên ở khách sạn. Theo bà, chất lượng khách sạn tồi tàn, nhưng đó là mặt bằng chung của xã hội bấy giờ. Bà Nhung đến giờ vẫn nhớ mãi cô nhân viên lễ tân, vừa vạch áo cho con bú vừa trả lời khách. “Lúc đó dịch vụ chưa phát triển, lại thêm khách sạn lúc nào cũng ở “thế trên” nên dù bực khách cũng chẳng bao giờ kêu”, bà Nhung cười nói.
Xem thêm: Các điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam thập niên 80 trông thế nào