Chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ khẳng định quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước đưa quan hệ bước vào giai đoạn mới "mạnh mẽ hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 2/8 cho biết.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các hoạt động hội đàm, tiếp xúc của Thủ tướng với lãnh đạo cấp cao Ấn Độ giúp khẳng định tình cảm gắn bó và mối quan hệ truyền thống, góp phần khẳng định hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024 - 2028.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "năm hơn".
Về tin cậy chính trị - chiến lược, hai lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các kênh. Việt Nam công bố tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và sớm hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA), hai trong số các sáng kiến toàn cầu của Ấn Độ, góp phần vào việc củng cố tin cậy giữa hai nước.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai nước đẩy mạnh triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030; mở rộng hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng, hợp tác chống khủng bố. "Việc hai bên ký kết triển khai gói tín dụng 500 triệu USD dành cho quốc phòng là một bước đột phá trong chuyến thăm", Bộ trưởng Sơn cho hay.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ thực chất, hiệu quả, đột phá hơn. Hai bên hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD, tăng gấp đôi đầu tư hai chiều từ nay đến năm 2030.
Việt Nam đề nghị Ấn Độ giải quyết vấn đề rào cản thương mại, thúc đẩy các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang thị trường nước này như điện tử, dệt may, nông sản. Việt Nam cũng thu hút các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư vào hạ tầng, dược phẩm, năng lượng.... Doanh nghiệp hai nước đã ký 6 hợp đồng lớn về hàng không, sân bay và logistics.
Về hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác về năng lượng nguyên tử, đất hiếm.
Việt Nam - Ấn Độ cũng mở rộng hợp tác hóa dầu, năng lượng mới, thúc đẩy thành lập các liên doanh sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin và hợp tác đào tạo kỹ sư công nghệ, đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí sớm ký thỏa thuận hợp tác về du lịch, nỗ lực sớm đạt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách lên mức 400.000 lượt/năm. Hai nước tiếp tục hợp tác trùng tu, bảo tồn các di sản tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam.
"Với những kết quả trên, tôi tin rằng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thực sự bước sang một trang mới. Các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đều có thêm cơ hội tăng cường hợp tác với Ấn Độ", ông Sơn nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ từ 30/7 đến 1/8, theo lời mời của Thủ tướng Modi. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016.