Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
"Đây là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp các đại diện doanh nghiệp quốc tế ở Bắc Kinh hôm 28/3. Ảnh: AFP
Lãnh đạo hai bên dự kiến trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên một số phương diện.
Đầu tiên là tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, đặc biệt là tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, qua đó làm vững chắc hơn nữa nền tảng tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị và phát triển đất nước, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Xác định những phương hướng lớn, trọng tâm triển khai hợp tác trên các lĩnh vực, nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy tạo "điểm sáng" về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh.
Lan tỏa hiệu ứng tích cực của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên, thúc đẩy triển khai tốt Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, thực chất, hiểu biết lẫn nhau, đặt mình vào vị trí của nhau để cùng xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nhận thức chung cấp cao, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
"Tôi tin tưởng rằng với sự coi trọng cao độ và phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng của hai bên, chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng, ý nghĩa của hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam - Trung Quốc, ông Bùi Thanh Sơn cho biết Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sau hơn 45 năm cải cách mở cửa.
Từ chỗ là nước đi sau, Trung Quốc đã trở thành cường quốc khoa học công nghệ, với vị trí thứ ba thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển và dẫn đầu thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế. Trung Quốc gần đây liên tiếp công bố nhiều thành tựu công nghệ nổi bật trong các lĩnh vực then chốt như AI, mạng 5G, robot tự động, chip bán dẫn, công nghệ vũ trụ.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn đề cao và đặc biệt coi trọng vai trò mang tính quyết định của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Sơn khẳng định tiềm năng, không gian hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là hết sức to lớn.
"Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc, trong đó mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về vốn trong lĩnh vực này để tạo nền tảng vững chắc khi Việt Nam và Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới", Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Phạm Giang