Phạm Nhật Linh -
Nhà văn Kim Lân cũng là chỗ tâm giao của cụ Nguyễn (hai người từng tham gia bộ phim Chị Dậu chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố), vậy mà một lần, do tình thế đưa đẩy, Kim Lân đã phải khéo léo thuyết phục Nguyễn Tuân chỉnh sửa một đôi chữ trong bài viết của cụ.
Thoạt đầu, cụ Nguyễn ưng thuận, nhưng sau khi sách in ra, không biết ngẫm nghĩ thế nào, cụ lại sa sả mắng Kim Lân ngay giữa trụ sở Hội Nhà văn, rằng Kim Lân "nếu có quyền có chức cũng không phải vừa đâu", rằng vừa rồi Kim Lân đã "cắt của mình mấy chữ, đểu quá...".
Nhà văn Bùi Hiển từng kể, thời còn làm báo Văn Học, có lần cụ Nguyễn Tuân viết cho số báo Tết một bài tùy bút. Bùi Hiển đọc thấy thích nhưng cũng nhận thấy bài viết có đôi nét hơi "ngang ngạnh" kiểu Nguyễn Tuân. Ông rất phân vân và không biết xử trí ra sao.
Sau rồi, ông bèn nghĩ ra mẹo là phải dựa vào số đông, tức là phải lấy ý kiến tập thể. "Rất may" cho ông là khi ông đang lựa cách "đặt vấn đề" để cụ Nguyễn chỉnh sửa thì cụ đã linh cảm thấy việc "chẳng lành" và chủ động xin "rút lại" bài viết.
Việc đặt tên cho cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân cũng không... đơn giản. Thoạt đầu, khi đưa duyệt bản thảo (sách do Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản), nhà văn Tô Hoài, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội đề nghị cụ Nguyễn đổi tên tập sách. Theo ý Tô Hoài, chỉ cần để cái tên Hà Nội ta đánh Mỹ là đủ.
Nguyễn Tuân bực bội: "Ông thấy nó dài dòng ở chỗ nào?". Tô Hoài giải thích: "Để là Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi cứ thấy y như mình đứng ở bề trên mà ban khen cho Hà Nội vậy".
Nguyễn Tuân nổi xung: "Đấy! Ba cái anh duyệt bài là chúa hay suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì chung chung. Tôi nói 'Hà Nội ta' là 'Hà Nội của chúng ta đây! Của ta đây!'. Tôi tự hào về cái Hà Nội của ta, thế có được không?
Thế còn đánh Mỹ thì phải nói 'đánh Mỹ giỏi' chứ nói 'đánh Mỹ' thì ai biết đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt phải giống mọi người? Nếu ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho bằng tròn vo như vậy, không có cá tính, không có cái riêng của tôi thì thôi, để sách đó, tôi không in nữa".
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, thời kỳ làm biên tập viên NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn), khi nhận được tập bản thảo của Nguyễn Tuân, đã tạm đặt cho nó cái tên là Nói chuyện nghề nghiệp. Thoạt trông thấy mấy chữ nói trên, cụ Nguyễn đã lấy bút gạch đi hai chữ đầu và cuối, chỉ để còn lại hai chữ Chuyện nghề. Cụ bảo: "Thỉnh thoảng đi với một cán bộ nào đó, mình mới hỏi: 'Ông làm gì?'. 'Thưa anh, tôi bên Thanh niên', 'Thưa anh, tôi bên Công đoàn'. Mình không hỏi gì, chỉ nghĩ người kia đã lơ đãng không trả lời đúng vào câu hỏi của mình, hay không có nghề, chắc lý do sau thì đúng hơn. Bởi chỉ những người không có tự hào gì về nghề nghiệp mới lúc nào cũng chăm chắm nói về cái nơi làm việc của mình mà thực ra không biết mình sống ở đấy bằng nghề gì... Nên ngay trong cái việc tưởng chỉ có cảm hứng như viết văn cũng phải nhấn vào cái chữ nghề cho thiên hạ thấy!".
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)