![]() |
Côi gái trẻ Ina Libak đã trải qua gần một tháng điều trị trong bệnh viện sau vụ tấn công hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: Guardian |
Ina Libak đã trải qua gần một tháng điều trị bệnh viện sau ngày 22/7 định mệnh hồi năm ngoái. Tên giết người Anders Behring Breivik đã tìm thấy Ina khi cô nấp sau chiếc piano ở một tiệm cà phê trên đảo Utoeya. Hắn đã giết 13 người ở cửa hiệu đó và Libak, nạn nhân thứ 14, đã bị bắn ít nhất 4 phát vào mặt, hai tay và ngực trái.
Khi Libak đứng trước tòa án tội phạm Oslo hôm thứ hai, những vết sẹo vẫn hiện ra rất rõ trên cơ thể cô. "Tôi chi cố giấu chúng bằng việc trang điểm." Libak đã nghĩ cô chắc chắn sẽ chết. "Tôi nhớ từng viên đạn của hắn găm vào cơ thể tôi", cô gái 22 tuổi khóc trong phòng xử án.
"Phát súng đầu tiên nhằm vào cánh tay tôi và tôi đã nghĩ mình sẽ sống, sẽ không sao nếu bạn chỉ bị bắn vào tay. Rồi quai hàm tôi chảy máu. Tôi lại nghĩ chỉ nghiêm trọng hơn một chút thôi. Sau đó, tôi bị bắn vào ngực và tôi ngay lập tức tin rằng, điều này sẽ giết tôi mất."
Nhưng bằng cách nào đó, Libak đã có thể đứng dậy và cố gắng chạy trốn. "Tôi bị vấp và ngã xuống. Tôi không thể điều khiển được cơ thể mình. Lúc đó tôi đã nghĩ, tôi sẽ chết mất. Đó chính là cảm giác khi bạn sắp chết. Cơ thể tôi không ngừng chảy máu."
Rồi Libak nghe thấy tiếng một người bạn: "Chúng ta không thể bỏ mặc Ina". Chàng trai đó đã chạy tới và đưa cô tới nơi trú ẩn cùng những người bạn. Những gì xảy ra ở đó, theo lời Libak, là "một điều kỳ diệu". Các bạn cô dùng áo khoác của họ như công cụ để cầm máu. Mọi người đều trợ giúp lẫn nhau, Libak nói.
Rồi họ nghe thấy tiếng súng ngày một gần hơn. Libak nhớ một trong các bạn cô đã nhắc nhở rằng: "Nếu chúng ta bỏ đi, hắn có thể lần theo vết máu. Cô ấy không thường tỏ ra như vậy, nên chúng tôi hiểu là cô ấy đang rất nghiêm túc". Mặc dù rất nguy hiểm, nhưng bạn bè của Libak vẫn quyết tâm ở bên cô đến cùng. "Không ai trong số họ chọn cách bỏ chạy. Các bạn tôi nói tất cả sẽ cùng ở bên nhau đến phút cuối".
Cả nhóm vẫn ở nguyên chỗ trú ẩn khi Breivik bước tới và ở cách họ khoảng 2m. "Nhưng hắn không nhìn về phía chúng tôi", Libak nói. "Nếu làm thế, hắn sẽ dễ dàng nhận ra chúng tôi. Hắn đã có thể xả súng vào chúng tôi nếu hắn nhìn theo một hướng khác".
Khi cảnh sát có mặt và bắt Breivik, Libak nhận ra rằng cô và những người bạn không phải là nạn nhân duy nhất của tên giết người máu lạnh này. "Đã có rất nhiều người thiệt mạng. Điều đó thật kinh khủng. Chúng tôi ngay lập tức nhận ra mức độ nghiêm trọng của vụ việc này".
Khi đã được đưa lên chiếc thuyền cứu hộ, Libak mới thực sự tin là cô có thể sống sót. "Những chuyện xảy ra ở Utoeya khiến tôi nghĩ rằng, không có một cái chết đau khổ, nó chỉ như việc bạn vừa chìm vào một giấc ngủ thật sâu thôi. Nhưng tôi vẫn luôn mong rằng mọi việc không xảy ra theo chiều hướng ấy".
Sau 10 tháng, khả năng phát âm của Libak đã được phục hồi. "Chúng tôi đang cảm thấy rất ổn và đều chăm sóc cũng như hỗ trợ lẫn nhau", cô nói. "Tôi đang dành phần lớn thời gian cho tổ chức thanh thiếu niên (AUF). Thật tuyệt khi thấy các thành viên cũ và mới cùng ở bên nhau. AUF đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi thật sự quan tâm tới chính trị và những chuyện từng xảy ra sẽ không thể đánh bại chúng tôi."
"Tuy nhiên hiện tại, mọi thứ vẫn rất khó khăn. Thật khủng khiếp khi mất đi những người mạnh mẽ nhất, những người chúng ta yêu quý nhất. Na Uy vẫn rất cần họ", cô nói. Sau cuộc tấn công, số lượng thành viên của đảng Lao động, công đảng lớn nhất Na Uy đã tăng mạnh. Libak vẫn tiếp tục đi học và trải qua mọi kỳ thi như các sinh viên khác.
Trong khi đó, sát thủ Breivik tuyên bố mục đích của vụ thảm sát trên đảo Utoeya là nhằm quét sạch thế hệ kế tiếp của đảng Lao động, chính đảng đang cố gắng xây dựng một Na Uy đa sắc tộc. Tuy nhiên, cố gắng của hắn chỉ làm lý tưởng của những thanh niên sống sót qua vụ thảm sát càng thêm rõ ràng: thay vì triệt tiêu thế hệ trẻ, hắn chỉ khiến họ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Quỳnh Hoa (Theo Guardian)