Năm 2020, khi Phan Thanh Tùng (đồng sáng lập Moon Knight Labs) và 5 người bạn chọn khởi nghiệp với NFT, nhiều người không hiểu NFT để làm gì. Hầu hết mới nhìn NFT thông qua những tấm ảnh, bức tranh có giá đến cả triệu USD. Nhưng Tùng nghĩ, tiềm năng của nó lớn hơn thế.
Vì vậy, họ bắt tay viết Faraland - một tựa game NFT của Việt Nam. Chỉ hơn một năm, game dần có chỗ đứng trên thị trường. Cùng với cú bứt phá ngoạn mục của người anh Axie Infinity, một loạt studio bắt đầu lao vào cuộc đua. Một số đoạn mã công khai và ý tưởng của Faraland thậm chí là tiêu chuẩn cho game NFT hiện tại.
Moon Knight Labs - công ty do Tùng đồng sáng lập đã gọi vốn thành công 2,4 triệu USD cho Faraland. Sự ủng hộ của cộng đồng người dùng cũng là động lực lớn giúp game chiến thắng tại giải thưởng "Most Value Builder II". Cuối tháng 11 năm ngoái, họ ra mắt bản Faraland Expedition và nhận được phản ứng tích cực.
Metaverse (vũ trụ ảo) cũng chỉ là một lĩnh vực vừa được khai mở ở Việt Nam và startup của Tùng vẫn còn non trẻ. Anh cũng chưa dám nhận mình thành công vì con đường rất dài phía trước với nhiều cột mốc cần chinh phục.
"Tuy nhiên sau tất cả, tôi cảm thấy hạnh phúc, vì được sống với đam mê và hoài bão. Những thất bại quá khứ là bài học sâu sắc. Quan trọng là niềm tin vào bản thân, cộng sự, lý tưởng và chắc chắn rồi, không bao giờ bỏ cuộc", anh nói với VnExpress.
'Bách khoa toàn thư' về thất bại
Tùng không ngại nhắc chuyện thất bại của bản thân. Mỗi dự án đều là một kỷ niệm đáng nhớ với anh nhưng dự án đặt nhiều kỳ vọng nhất là "Little Small Things". Đó là một nhóm làm phim ngắn độc lập ra đời năm 2014, khi nghề làm Youtube còn chưa phát triển.
Dự án hướng đến các sản phẩm phim ngắn nghiêm túc, truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Họ làm được 2 phim, một phim còn được giải ba khi tham dự một cuộc thi. Xác định nguồn thu từ Youtube hạn chế, họ tập trung tìm tài trợ để có kinh phí phát triển. Nhưng khi đó, tư duy về marketing còn hạn chế.
"Những tưởng cứ làm tốt là sẽ có người xem, chúng tôi dồn hết kinh phí vào sản phẩm mà bỏ qua khâu truyền thông. Kết quả, dự án của chúng tôi không thu hút được như dự kiến", anh kể.
Là những người làm nghệ thuật, cái tôi quá lớn khiến mâu thuẫn nội bộ sau đó phát sinh. Một số thành viên rời nhóm, Little Small Things tan rã khi chỉ mới bắt đầu. Nhiều kịch bản vẫn mãi nằm trên giấy.
Ngẫm lại mỗi lần startup, anh nói rằng do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. "Cứ ngỡ mình rút ra được kinh nghiệm từ việc trước đó thì một sự việc khác lại ập tới. Và tôi có một quyển bách khoa toàn thư về thất bại", anh nói.
Bài học lớn nhất với Tùng theo anh là về con người. Khác với một cỗ máy, một quy trình, yếu tố con người luôn là điểm yếu chí tử của mọi startup do quá nhiều biến số có thể xảy đến.
Những người đồng hành là yếu tố then chốt nhất của một startup. Không thể làm mọi thứ một mình nhưng làm cùng ai là vấn đề. "Có phải những người sẽ sống chết vì lý tưởng như bạn không? Họ làm việc vì đam mê, hay vì lợi ích nào", Tùng nói.
Cùng với đó, các thất bại giúp anh tích lũy kinh nghiệm làm việc, xử lý tình huống, và hợp tác cùng người khác. "Non nớt trong tư duy và chỉ có sức trẻ cùng tinh thần thuần tuý, tôi đã tự đánh mất nhiều cơ hội đến với mình ở những thời điểm quyết định", anh thừa nhận.
Sau nhiều thất bại trong công việc lẫn cuộc sống riêng, Tùng bắt đầu hoài nghi năng lực của thân. Năm 2015, anh quyết định bỏ mộng khởi nghiệp và chấp nhận mình là "một người bình thường". Anh nhận công tác tại một đơn vị nhà nước và bắt đầu sự nghiệp "cán bộ". Anh nói công việc thực tế rất thú vị và cũng không thiếu sự sáng tạo. Môi trường kỷ luật cũng giúp anh trưởng thành nhanh chóng.
Nhờ những năm tháng ổn định, Tùng tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức, có cái nhìn bao quát hơn và hiểu hơn lý do của những thất bại trước kia. Với anh, nó là nền móng cho hành trình hiện tại.
Cuộc sống dường như viên mãn khi anh lấy vợ, sinh con. Nhưng Tùng nói rằng vẫn luôn trăn trở vì những năm tháng dang dở trước kia. Khát vọng muốn vượt lên, muốn làm một cái gì đó ý nghĩa, vẫn thường trực.
Ngã rẽ đến khi anh tham dự sự kiện trao giải "Make In Vietnam" cho sản phẩm công nghệ số năm 2020. "Nhìn những người nhận giải khi đó, tôi thực sự xúc động, tôi nhớ lại bản thân của 5-6 năm trước. Tôi cũng muốn làm những thứ để có thể tự hào, để có thể hét lên như những người nhận giải hôm đó", Tùng nói.
Thêm một lần phiêu lưu
Trong một buổi cà phê, Tùng đã gặp 5 người bạn mà sau này là đội ngũ sáng lập Moon Knight Labs. Họ có khá nhiều điểm chung, cùng là 9x đời đầu đã lập gia đình và cùng thích chơi game, ăn quà vặt. Họ đều từng thử làm cái gì đó của riêng mình nhưng chưa thành công và bỏ cuộc để chọn một cuộc sống ổn định, đi xây ước mơ cho người khác.
Hôm đó, họ còn vô tình phát hiện có một "ý tưởng chung", hay nói đúng hơn là các ý tưởng, kế hoạch đơn lẻ nhưng có thể ghép lại thành một bức tranh lớn hơn tất cả những gì tất cả ấp ủ. "Nhìn thấy tiềm năng của ý tưởng, chúng tôi quyết định bỏ hết tất cả để phiêu lưu cùng nhau thêm lần nữa, làm một dự án để đời", Tùng kể.
Đó là cơ duyên hình thành Moon Knight Labs. Nhờ mỗi thành viên đều là chuyên gia trong phần việc của mình nên dự án phát triển tương đối trôi chảy. Họ không gặp khó khăn nhiều trong việc đưa ra định hướng và phát triển sản phẩm.
"Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu bàn phát triển Faraland, chúng tôi bàn về hệ thống kỹ năng (skill) trong Faraland. Lúc đó một thành viên nói "scratch" (đây là dạng kỹ năng cơ bản cấp độ 1 của Pokemon), ngay lập tức, những người khác nói "pound", "tackle", "peck"..., những từ mà nghe xong chúng tôi biết mình đã lựa chọn chính xác đồng đội", Tùng nói.
Như các tựa game bình thường khác, Faraland kiếm tiền thông qua việc người dùng tham gia, nạp tiền và chơi. Họ cũng nhận được phần trăm khi người dùng mua bán, trao đổi vật phẩm trong game và các hoạt động khác. Tuy nhiên, Faraland thực tế không đơn thuần là thu tiền từ người dùng mà có tổ chức và cơ chế hoạt động phức tạp hơn nhiều dự án khác.
Với hướng đi Metaverse (vũ trụ ảo), Faraland là một thế giới mở và là một tựa game nguyên bản, họ có thể thêm bất kỳ nội dung nào vào game mà không gặp phải các vấn đề kỹ thuật như một số đơn vị mua lại game để phát hành. Từ đó họ có thể biến Faraland thành một nền tảng quảng cáo tương tự Facebook Ads. "Thực tế chúng tôi đã ký kết được với nhiều đối tác để đưa họ vào thế giới game của mình như một hình thức quảng cáo cho họ", Tùng tiết lộ.
Bản thân Moon Knight Labs cũng có nhiều mảng công việc khác để duy trì hoạt động. Nhà đồng sáng lập cho rằng công ty không bị phụ thuộc vào nguồn vốn gọi được mà hiện tại đã tạo được một cơ chế xoay vòng ổn định để có thể phát triển bền vững.
Tất nhiên, sự cạnh tranh của thị trường là có. Mỗi tháng lại có hàng chục tựa game mới có yếu tố Blockchain ra mắt. Tuy nhiên không phải tựa game nào cũng tồn tại được. Tùng xác nhận nhiều tựa game sinh ra chỉ để lừa đảo. Việc này ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường, mang đến cái nhìn sai lệch và đánh đồng với các dự án ứng dụng công nghệ tốt.
"Một sự thật đáng buồn, nhiều người gặp tôi và đề cập xin giúp đỡ chỉ để 'thu về vài triệu USD gọi vốn' hoặc 'tỷ lệ ăn chia khi gọi vốn thế nào'. Lúc đó tôi chỉ cười rồi từ chối cộng tác, tôi biết họ không thể tiến xa được", anh chia sẻ.
Phan Thanh Tùng cho rằng Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa vươn lên trên bản đồ công nghệ thế giới. Tùng còn cho rằng Việt Nam đang là những người dẫn đầu trong lĩnh vực game NFT. "Chúng ta có những ý tưởng tuyệt vời, những kỹ sư giỏi và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới", anh nói.
Theo anh, tất cả những gì Việt Nam cần là một cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Mở cửa cho startup, giữ chân được nhân tài, tránh được tình trạng chảy máu chất xám về công nghệ. Tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần bảo đảm tính trung lập về công nghệ.
Về pháp lý, nghị định thí điểm (sandbox) cần sớm được phổ biến và ứng dụng thực tế để từ đó dần xây dựng được hành lang trong việc quản lý và bảo vệ các doanh nghiệp, người dùng hoạt động trong lĩnh vực.
Về phần Faraland, vì là một thế giới mở được xây dựng nguyên bản từ nội dung đến code, Tùng cho rằng tiềm năng mở rộng của nó gần như không giới hạn. Năm 2022, bên cạnh tiếp tục mở rộng, hoàn thiện thế giới ảo với Faraland, công ty dự định cho ra mắt truyện tranh và bản tiểu thuyết riêng.
"Chúng tôi muốn biến Faraland trở thành một thương hiệu tương tự cách Marvel tạo dựng nên vũ trụ của mình", nhà đồng sáp lập Moon Knight Labs chia sẻ.
Viễn Thông