“Change is happening in your life - So go with the flow”.
Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Sheffield, trong tiệm Bodyshop, một nhân viên tươi cười chào đón chúng tôi với những chiếc “Fortune cookies”- “Bánh may mắn”; mỗi cái chứa một thông điệp khác nhau. “Sự thay đổi đang diễn ra trong cuộc đời bạn - Hãy cứ cuốn theo dòng chảy ấy”, lời nhắn nhủ đầu tiên từ nước Anh khiến tôi ngỡ ngàng bởi sự trùng hợp, nhưng tôi cũng không tưởng tượng được sẽ có những sự thay đổi lớn như vậy trong 365 ngày sắp tới.
Thật ra tôi vẫn tin vào sự tồn tại của một điều kỳ diệu nào đó khi nhìn lại chặng đường đưa tôi từ Việt Nam sang nước Anh. Không chỉ là một chuyến bay hơn hai mươi tiếng, mà đó là nhiều năm mơ ước rồi loay hoay tìm học bổng, nín thở chờ đợi. Thế nên, đêm hôm ấy khi được báo tin học bổng toàn phần của Sheffield Hallam, hai bố con tôi đã ôm nhau nhảy giữa nhà. Tôi hiểu rất rõ nó khó khăn thế nào để có được một năm học này, nên tôi trân trọng từng giây phút có mặt tại nơi đây, để cảm nhận nước Anh yêu dấu với tất cả giác quan và trái tim mình.
Tình cảm trìu mến với nước Anh đến với tôi bắt đầu từ hình ảnh những lâu đài nguy nga, những trường đại học cổ kính và câu chuyện Oxford thương yêu mà cả lớp cấp III của tôi truyền tay nhau đọc. Đó có lẽ là cảm giác ngưỡng mộ và là giấc mơ được đặt chân đến xứ sở thần tiên ấy. Và đến giờ tôi vẫn thấy mình được phiêu lưu trong giấc mơ ấy. Nước Anh không chỉ khiến tôi trầm trồ vì kiến trúc cổ kính của những tòa nhà lát đá vàng hay nguyên màu gạch đỏ mà còn nhẹ nhàng ôm lấy trái tim tôi bằng những ngôi nhà mái ngói nhỏ xinh, với ô cửa sổ gỗ sơn xanh, dịu dàng bên cạnh những khóm hoa và bãi cỏ xanh mướt.
Giờ thì tình yêu với UK không chỉ là Oxford, Cambridge hay London Eye nữa, mà còn là thảm cỏ xanh mướt và những hàng cây đong đưa trái chín trong công viên gần nhà, nơi tôi tìm thấy những giây phút nhẹ nhàng, yên bình sau cả tuần ngồi cúi mặt vào laptop viết bài. Đơn giản là cắm headphone vào và đi thôi! Thế mà tôi có thể đi miết, ngắm miết không chán, cảm giác sao mà êm đềm thế!
UK trong tôi còn hùng vĩ với những ngọn đồi mỏm đá chông chênh vút tầm mắt ở Peak District. Leo đến đỉnh, gió thốc vù vù bên tai nhưng cảm giác có thể chạm được mây và mắt muốn ghi lại tất cả quang cảnh thiên nhiên từ trên cao xuống.
Nước Anh trong tôi là cả những buổi rong ruổi khắp các con đường để rải CV xin việc. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, sự ngại ngùng ban đầu cũng phải dẹp sang một bên, tôi hít một hơi lấy dũng khí rồi cứ thế bước vào, không quên nhấn mạnh “Tôi có thể làm bất cứ việc gì”. Cách họ lịch sự đáp lại luôn làm tôi thấy le lói tia hy vọng.
Thế rồi tôi làm đủ mọi việc từ phụ bếp cho nhà hàng tàu. Đây là công việc đầu tiên và cũng vất vả nhất vì điều kiện khá khắc nghiệt, trước mặt là hai chảo dầu lớn, sau lưng là kho đông lạnh, cửa thông gió luôn phải mở thốc thẳng vào lưng tôi. Tôi mặc áo phao chùm kín đầu mà vẫn rét vì bàn tay và chân vẫn không đủ ấm; cứ 20 phút tôi lại phải sục tay vào vòi nước nóng. Rồi tôi còn rửa bát, phát tờ rơi, bồi bàn, trông trẻ. Tuần nào không có việc đồng nghĩa với không lương là ra vào bồn chồn thấp thỏm.
Nước Anh đã biến tôi thành một cô gái mạnh mẽ và yêu đời hơn. Việc tôi du học hoàn toàn ngoài dự tính của gia đình lúc đấy, nên tôi cũng không muốn bố phải vay thêm tiền để lo sinh hoạt phí cho tôi. Cho nên dù có mệt, tôi vẫn thấy hạnh phúc khi mình có thể tự tin trang trải cuộc sống, khác hẳn những ngày đầu, trước gió lạnh và mưa phùn ở Sheffield, tôi chỉ là một con bé cúi đầu, rúc sau lưng bạn mà đi hoặc cuộn tròn trong chăn ấm.
Cuộc sống ở Anh còn mang lại cho tôi cơ hội để khám phá khả năng của mình hơn nữa và biết trân trọng, nâng niu giá trị của cuộc sống xung quanh. Thỉnh thoảng bạn tôi có than thở thì tôi lại trêu động viên chúng ta là “du học sinh nghèo vượt khó” mà. Dù là việc chân tay đấy nhưng hãy cứ tự hào mình kiếm được những đồng tiền lao động chân chính, hoàn thành việc học và giấc mơ khám phá nước Anh và châu Âu.
Vì vậy, tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Khi phát tờ rơi trên phố, có bác người Anh tiến về phía tôi cười hiền hậu nói: “You have a very lovely smile” hay lúc làm bồi bàn, có khách trước khi ra về bảo tôi: “I will remember this smile.” Thật ra, chính họ đã mang lại nụ cười và sự hăng hái đó của tôi chỉ với những cử chỉ động viên khích lệ giản đơn ấy.
Dù chỉ là một cô phục vụ bàn thôi, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy được tôn trọng và quý mến. Trên bàn có bao nhiêu món thì có lẽ phải bấy nhiêu lần những vị khách ấy nói lời cảm ơn và trao cho tôi nụ cười nồng hậu. Nhiều hôm chân và lưng bắt đầu tê sau 5 tiếng chạy bàn liên tục, nhưng không sao... tôi vẫn muốn giữ nụ cười ấy trên môi vì xung quanh tôi là anh bạn người Romani dễ mến. Hễ thấy tôi mang đồ đến quầy bar là tươi cười: “Hi Anne” (đó là tên do một người bạn đặc biệt người Anh đặt cho tôi dựa trên bộ phim Anne tóc đỏ) và rất nhiều người bạn cùng làm khác, trong ngày đầu tiên thử việc của tôi, họ đều ân cần hỏi: “Are you ok?... Are you alright?... Tired? Don’t be nervous!”. Mọi người đến từ khắp mọi nơi, cả Âu, Á và Mỹ, nhưng rồi cùng nói chung một thứ tiếng và cùng quan tâm giúp đỡ nhau. Tôi tin rằng chính mảnh đất UK hiền hòa này khiến con người ta phải sống tích cực, tử tế và yêu thương nhau hơn.
Mọi người thường nghĩ xã hội phương Tây sống ít tình cảm hơn xã hội phương Đông, nhưng những gì tôi thấy và cảm nhận hàng ngày lại là những con người sống chân thành và đầy tình yêu thương cho nhau. Đó là hai ông bà tóc bạc cầm tay nhau đi chợ; là những ông bố bà mẹ ngồi cổ vũ những đứa trẻ của họ vui vầy ở công viên thành phố ngày cuối tuần; là phòng khách ấm cúng với những tấm thiệp của các thành viên trong gia đình tặng cho nhau được xếp ngay ngắn trên lò sưởi. Đó còn là “afternoon tea” (trà chiều) nhâm nhi tách trà và miếng bánh ngọt nhỏ xinh - một thói quen mà cậu bạn người Anh đã truyền sang tôi. Chúng tôi hay chia nhau chiếc bánh scone huyền thoại ở canteen trường sau mấy tiếng học liên tục trong thư viện.
Tôi cảm nhận được hạnh phúc giản dị trong cuộc sống êm đềm, ít bon chen của những người nơi đây và hy vọng sau này 80 tuổi vẫn sẽ có người cầm tay mình đi siêu thị như thế. Cảm ơn UK, cảm ơn vì đã cho tôi được sống quãng thời gian sinh viên lần hai để biết tình bạn đúng là không biên giới. Cảm ơn vì đã cho tôi những trải nghiệm đủ các dư vị - chua cay mặn ngọt trong một năm qua. Cảm ơn đã giúp tôi cứng cỏi và mạnh mẽ như bây giờ. Sẽ mãi mãi nhớ về một UK như thế trong trái tim tôi.
Phạm Hồng Hạnh