Trước khi phiên chợ hè đóng cửa, Arsenal đã kịp mang về tiền vệ kiến thiết hàng đầu châu Âu - Mesut Ozil. Đây là một thành công lớn của Pháo thủ. Nhưng kỳ chuyển nhượng năm nay của Arsenal chắc chắn kém nhộn nhịp hơn rất nhiều so với người hàng xóm Tottenham với hơn 100 triệu bảng được chi.
Đáp lại những thương vụ đắt giá của "Gà trống", HLV Arsene Wenger nhận xét: "Sự rủi ro luôn hiện hữu khi bạn mua quá 3 cầu thủ. Đội bóng sẽ bị mất cân bằng". Giả thuyết này của “Giáo sư” dựa trên lý giải càng mua nhiều cầu thủ thì càng cần nhiều thời gian để họ hòa nhập và thích nghi với đồng đội mới.
Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế, sự trỗi dậy của những gã nhà giàu như Chelsea hay Man City đã cho thấy, nhân lực nhiều không gây ra nhiều bất ổn, mà trái lại là vô cùng cần thiết.
Cựu vương Man City từ năm 2006 luôn mang về trung bình 7 tân binh mỗi kỳ chuyển nhượng hè. Khi dẫn dắt Chelsea lên ngôi vô địch mùa giải 2004-2005, Mourinho cũng làm tốn của Roman Abramovich không ít khi mua đến 8 cầu thủ.
Mùa giải Liverpool về đích ở vị trí thứ hai với 86 điểm (2008-2009), Rafa Benitez cũng đã ký thêm 6 bản hợp đồng mới. Trong danh sách đội hình một của Quỷ đỏ vùng Meyserside năm đó chỉ có Steven Gerrard và Jamie Carragher là thi đấu trước khi Benitez đến nhậm chức.
Từ những ví dụ trên, giới chuyên môn dần khám phá ra rằng, mua sắm quá tay chưa chắc làm mất cân bằng đội hình.
Cầu thủ Anh đang ngày một mất giá
Cầu thủ người Anh ghi nhiều bàn nhất ở Premier League mùa trước, Rickie Lambert, có giá 1 triệu bảng, bằng một nửa Michu. Lambert chỉ kém đồng nghiệp người Tây Ban Nha đúng 3 bàn. Trang Telegraph tính mỗi bàn của Michu có giá khoảng 111.000 bảng, trong khi mỗi bàn của tiền đạo người Anh đang thi đấu cho Southampton có giá chỉ 66.000 bảng.
Trong kỳ chuyển nhượng hè vừa qua, 25 trong 137 tân binh ở Premier Leaguue là người Anh (18,2%). Họ có tổng giá trị 60 triệu bảng. Tính bình quân, mỗi cầu thủ người Anh này có giá kém 2,7 triệu bảng so với đồng nghiệp nước ngoài.
Liệu Marouane Fellaini (giá 27,5 triệu) thực sự chơi hay hơn năm lần so với Jonjo Shelvey (5 triệu). Hay Mamadou Sakho (19,4 triệu) liệu có đáng giá gấp đôi Steven Caulker (9 triệu)?
Nathan Redmond, tân binh của Norwich, là một điển hình của việc cầu thủ Anh đang bị đánh giá thấp. Tiền vệ 22 tuổi này ký hợp đồng trị giá chỉ 2 triệu bảng. Thế nhưng Redmond hiện có số lần dẫn bóng thành công cao thứ hai tại Ngoại hạng (4,3 lần/trận), xen giữa hai người đồng hương là Andros Townsend (5,5 lần/trận) và Oxlade-Chamberlain (4 lần/trận).
Các cầu thủ Anh thậm chí đang ghi tới 31,8% tổng số bàn thắng sau 3 vòng mùa này (các cầu thủ Tây Ban Nha xếp thứ hai với 11%).
Chờ đợi đôi khi hiệu quả hơn mua nhanh
Những phi vụ chuyển nhượng nhanh chóng không hẳn đã đem lại thành công, nhất là khi đội bóng còn chưa định hình lối chơi.
Crystal Palace là một ví dụ. Họ kí hợp đồng với Stephen Dobbie khi kỳ chuyển nhượng hè mới bắt đầu vào tháng 6. Rồi khi HLV Ian Holloway mua thêm 14 tân binh nữa, Dobbie đành chịu cảnh bị bỏ ngoài danh sách 25 cầu thủ đăng ký thi đấu.
Arsenal “chộp” được Ozil vì họ đã biết nhẫn nại, chờ đến khi Gareth Bale cập bến Bernabeu mới nhanh tay đưa tiền về người Đức về Emirates.
Trong khi đó Chelsea lại có vẻ hơi “lỗ”: Ozil có tổng cộng 108 bàn thắng và kiến tạo, còn Willian chỉ đạt được con số 61 trong cùng khoảng thời gian. Hợp đồng của Willian với Chelsea chỉ ít hơn Ozil 8 triệu bảng.
Ozil là một trong những bản hợp đồng đắt giá được ký vào “giờ chót”. Trước anh có trường hợp của Rafael van der Vaart khi đến Tottenham. Tiền vệ người Hà Lan đã ghi 12 bàn sau 20 trận ở mùa giải đầu tiên, bao gồm hat-trick vào lưới Arsenal.
Giới chuyên môn vẫn chưa thể quên Andrey Arshavin, cầu thủ gia nhập Arsenal sau khi phiên chợ mùa đông 2009 đóng cửa 24 giờ. Ngôi sao người Nga này sau đó giúp tỉ lệ điểm/trận của Pháo thủ tăng từ 1,75 lên 2,05.
Những minh chứng trên cho thấy trên thị trường chuyển nhượng, “chậm mà chắc” cũng là một chính sách khôn ngoan.
Mạnh Phạm