Tên sách: Chuyện nhỏ Sài Gòn
Tác giả: Đàm Hà Phú
Thái Hà Books và NXB Văn Học ấn hành
"Không ai dám vỗ ngực nói mình biết hết Sài Gòn", đó là câu nói của ông già đạp xích lô có thâm niên 40 năm, mà Đàm Hà Phú dẫn ra trong tạp văn "Ở Sài Gòn" (trích sách Chuyện nhỏ Sài Gòn) để nói về cái rộng lớn của Sài Gòn. Đi, có thể đi hết, nhưng biết hết thì chưa chắc. Cho nên nói về cái rộng của Sài Gòn, còn là nói về cái ... vô thiên lủng của những câu chuyện Sài Gòn.
Trên những hè phố Sài Gòn, nếu như ai đó ưa quan sát, có đôi khi sẽ bắt gặp một chi tiết hơi lạ. Chẳng hạn thấy cái ghế gỗ cứ đặt ngoài vỉa hè, bất kể nắng mưa, chẳng dùng vào việc gì, cũng chẳng cho ai ngồi. Một cái ghế đẩu xộc xệch, trông có vẻ mất mỹ quan, nhưng nó lại dùng vào một việc hữu ích đấy. Dùng làm gì vậy? Dùng để quăng vào bọn cướp nếu như chúng phóng xe chạy qua đường này. Nếu gọi đó là chiếc ghế SBC (săn bắt cướp) thì cũng không ngoa. Chuyện lạ Sài Gòn mà cũng là chuyện nhỏ Sài Gòn. Còn người kể chuyện này là Đàm Hà Phú, một người không phải nhà văn, cũng chẳng phải nhà báo, một người chuyên đi "săn chuyện", một người kể chuyện tài hoa.
Và tất nhiên là còn nhiều chuyện nữa. Nhiều chuyện hay đến tê tê và cảm động đến rưng rưng. Như chuyện kể trong tản văn Hửng sáng: "Hửng sáng, một phụ nữ trẻ dẫn hai đứa con nhỏ tầm 4-5 tuổi ra hẻm ăn hủ tiếu. Bà Tám chủ tiệm rất ân cần, lo cho mấy mẹ con ăn sáng, lại kêu ông chồng lấy xe đưa tụi nhỏ tới trường để cho mẹ chúng đi làm. Người phụ nữ trẻ đưa tiền, nhưng bà Tám không lấy, mà nói vầy: "Bậy nè, chòm xóm không hà, tiền bạc gì, chừng nào chồng bây dzìa nhậu một bữa là được rồi": Nói gì bà già cũng kêu: "Thôi để mai mốt chồng bây dzìa rồi tính". Người ngồi ăn sáng thấy tò mò hỏi, vậy chứ chồng cổ đi đâu, chừng nào về. Nghe vậy bà Tám nói: "Trời, nói dậy nãy giờ cậu không rành hả, chồng nó bị tai nạn chết từ năm ngoái rồi, trong xóm tụi tui nói dzậy cho tụi nhỏ bớt buồn tủi đó mà".
Thật ra thì kể lại là đã làm mất hay chuyện của Đàm Hà Phú, bởi Phú kể chuyện vừa có chi tiết vừa có không khí, trong câu chuyện Phú kể nhiều khi có cảm giác "y khuôn" chuyện ngoài đời. Mà đời thì nhiều chuyện hay lắm, nếu như ta rộng cái tình, ta khỏe bước chân, ta không phân biệt sang hèn... Xem ra thì Đàm Hà Phú là người có tư chất của một "giang hồ lãng tử" như thế. Nhưng cái giang hồ của Phú là vui thú tiêu dao mà cũng để học làm người, tập sửa mình, sống như một người tử tế bình thường, chứ không để vỗ ngực xưng danh.
Điều đó, chính Đàm Hà Phú đã gửi gắm qua tạp văn Không có đỉnh cao thật gần gụi mà vô cùng thâm thúy. Từ chuyện nhân vật Tư Có trong truyện Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, Đàm Hà Phú kể chuyện một Tư Có có thật ngoài đời. Năm 1996, khi Phú còn trẻ, lang thang miền Tây mùa nước lũ, chẳng may lạc đường thì gặp ghe Tư Có chở về nhà, nấu cơm cho ăn, bày rượu mời uống. Sau đó, muốn đi đâu, ghé đâu, Tư Có dặn cứ nói là bạn Tư Có. Chỉ cần nói bạn Tư Có là được tiếp đón nồng nhiệt, cơm rượu vô tư. Tư Có là ai mà uy vậy? Đọc tới đó, ai cũng thắc mắc. Nhưng Đàm Hà Phú chỉ ra rằng: "Cái tên Tư Có là nói cho có cái tên để mà nói, để mà làm quen. Nếu không có Tư Có thì là Ba Không, Bảy Hữu gì cũng đặng. Miễn đừng có là người lạ, miễn là biết cầm ly, ngửa cổ uống một cái ót là đặng rồi. Bước qua cửa, leo lên sàn, lên ghe rồi là thành người quen, thành bà con luôn, cần biết gì tới Tư Có nữa". Ừ ha. Hay quá. Cái tên Tư Có chỉ là một chiếc cầu, hay một cái cớ cho những duyên ngộ cuộc đời. Tính cách người miền Tây là vậy. Thật chan hòa yêu thương, tràn đầy tình nghĩa. Không có ai là đỉnh hơn ai. Có lẽ tính cách của người Sài Gòn cũng vậy. Và, trong tập sách này, Đàm Hà Phú thu nhặt nhiều chuyện nhỏ trong biển đời, là những chuyện đời ấm áp, nên đọc thấy đời đẹp, dù đời lắm gian truân. Đọc thấy người hay, dù người dở cũng không phải là ít.
Tập sách có nhan đề là Chuyện nhỏ Sài Gòn, tưởng chỉ nói chuyện Sài Gòn, nhưng không phải. Không chỉ chuyện Sài Gòn mà còn chuyện dọc đường trên "toàn cõi Việt Nam", chuyện miền Tây Nam Bộ... Nói chung, chuyện trên trời dưới biển gì cũng có cả. Cái hay của Đàm Hà Phú là đi và viết rất chuyên chú, không viết để phục vụ cho một bổn báo nào cả. Cho nên Phú không tự giới hạn mình về đề tài cũng như dung lượng chữ. Cho nên đọc Phú thấy có chuyện cảm động thút thít, lại có cả chuyện giựt gân như phim; lúc dài thậm thượt, lúc ngắn ngủn dăm câu.
Cuối cùng thì có thể có người hỏi Đàm Hà Phú là ai? Đàm Hà Phú vốn là một blogger nổi tiếng với cư dân mạng, nhưng tôi vẫn xin nói thêm đôi dòng. Đàm Hà Phú vốn học ngành tài chính, ra trường làm thuê cho nhiều nơi trước khi làm chủ một công ty chuyên về thiết kế xây dựng. Cùng thời với chúng tôi, Đàm Hà Phú vốn là một cây bút thơ có chất, bền bỉ đến hôm nay. Thơ cũng như văn, Đàm Hà Phú viết trước hết là chơi, câu chữ mộc mạc mà phóng túng, không tự giới hạn đề tài cũng như dung lượng. Cho nên Chuyện nhỏ Sài Gòn dù mới là cuốn sách đầu tiên của Đàm Hà Phú, đã gây ấn tượng trong làng viết cũng như sự yêu thích đặc biệt nơi bạn đọc. Theo tôi cũng là điều dễ hiểu.
Anh sinh năm 1974, đến từ Nha Trang và luôn ở lại Sài Gòn hơn hai chục năm nay. Như anh tự bạch về mình, đó là con người có sở thích đi lại và viết lách, từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn.
Trích đoạn sách hay:
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài Gòn, hoặc không nhận cũng không sao, Sài Gòn không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người. Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, hỏi thăm nhau một câu cho có rồi mạnh ai nấy đi. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví lòi ở túi quần sau mà không cần quay đầu nhìn bạn để nhận một cái gật đầu cảm ơn. (Trích Chuyện nhỏ Sài Gòn) |
Trần Nhã Thụy
Sài Gòn, tháng 3/2013