Hàng rào dây thép gai bên ngoài sân bay quốc tế Suvarnabhumi Bangkok đang bị tê liệt. Ảnh: Reuters. |
Chị kể tiếp: "Ở đây có rất nhiều người Việt bị kẹt. Riêng khách sạn tôi ở đã có mấy người từ các Bộ Giao thông, Y tế, Lao động Thương binh Xã hội và Phòng Thương mại Công nghiệp đi dự hội nghị. Có một hội nghị về bảo vệ công nhân di cư do ILO tổ chức kết thúc hôm nay và theo lịch thì ngày mai mọi người sẽ về. Nhưng tất nhiên là không về được, tất cả đều đang mắc kẹt.
Tôi thấy mấy người dự hội nghị của ILO đi ra phố mua sắm, một số người thì tìm Internet để viết thư về nhà. Nghe nói ILO khuyến cáo vì lý do an ninh, họ không nên về mà hãy ở lại khách sạn. Nhưng có một chị vẫn tìm cách về, vì cuối tuần này cô em gái chị cưới chồng. Còn tôi không muốn đi mua sắm thêm gì, sợ hết tiền trong trường hợp bị kẹt lại đây dài ngày. Cũng không muốn hành lý quá nặng nếu phải về bằng đường bộ.
Ngoài khu vực sân bay ra thì ngoài đường vẫn bình thường, không có động tĩnh gì. Khu vực chúng tôi ở lại cũng xa sân bay. Ai làm việc gì thì vẫn làm việc nấy, mọi chuyện có vẻ rất bình thường với dân chúng ở đây. Tối qua có một cuộc trình diễn thời trang ở Pratunam, khu thương mại rất đông khách du lịch ngay phía bắc của trung tâm Bangkok, nơi thường có người Việt đến mua hàng vì giá rẻ. Rất đông người đến tham dự, khoảng 500 người và chẳng thấy ai quan tâm đến những biến cố đang xảy ra. Khu đèn đỏ thì vẫn hoạt động, không có gì khác biệt.
Truyền hình Thái suốt ngày đưa tin về tình trạng ở Bangkok và bài phát biểu của Thủ tướng Somchai, nhưng tôi không hiểu tiếng Thái. Tất cả các kênh đều phát tin về vụ này. Hằng ngày trong khách sạn có tờ Bangkok Post bằng tiếng Anh, chúng tôi đọc báo ấy nhưng thông tin không cập nhật lắm.
Tất nhiên là tôi và những người Việt Nam khác thấy lo lắng. Không rõ thực hư ở sân bay thế nào, nhưng xem trên TV thì thấy hành khách bị khóa ở trong đó, không ra ngoài được. Trong sân bay có cửa hàng bán đồ ăn, nhưng không biết đã hết đồ chưa. Thấy có cảnh mấy người ăn fast food, hoặc lăn ra ngủ trông mệt mỏi và lo lắng.
Nghe một số người Thái bảo thế này là tình hình chiếm giữ sân bay sẽ còn kéo dài rất lâu, vì chính phủ không có ý định từ chức như yêu sách của phe biểu tình. Ông Somchai thì đã đi thành phố Chiang Mai, vì ở đó có nhiều người ủng hộ ông hơn Bangkok.
Văn phòng của tôi đã liên lạc với hãng hàng không Vietnam Airlines hôm qua và họ nói "ngày mai hãy ra sân bay càng sớm càng tốt". Nhưng tới hôm nay thì không thấy họ thông báo gì nữa. Thông tin về các chuyến bay của Vietnam Airlines tôi có được là từ Vnexpress.net.
Ngày mai, tôi sẽ thuê xe đi đến biên giới Cambodia, rồi từ đó đi xe bus về Phnom Penh. Cũng hơi lo, vì Thái Lan và Campuchia mới có đụng độ biên giới khá căng thẳng. Có một nhóm khác thì đang tính đi qua Lào rồi đáp máy bay về Việt Nam, nhưng nghe nói chuyến bay không có vì nhiều người quá. Đến tận 1/12 mới có chuyến bay từ Vientiane, thành ra họ đang tính xem có nên đi về Việt Nam bằng xe bus không. Thực ra lựa chọn đi qua Lào cũng có vẻ ok, trừ việc không có chuyến bay từ Vientiane".
Điệp Nguyễn (từ Bangkok)
Bạn đọc chia sẻ câu chuyện, ảnh, video về Thái Lan tại đây.