![]() |
"Không cho tiền, không thổi nửa đâu". Ảnh: Người Lao Động. |
Tiếng khèn đang rộn vang khắp núi rừng thì bất ngờ một chú bé ngừng thổi, ngả mũ và đi một lượt: "Cho tiền đi, thổi tiếp cho mà nghe". Đó là một trong những cách "làm ăn" mới theo kiểu bà con dân tộc. Những điều này đang làm cho chợ tình Sa Pa mất đi ít nhiều ý nghĩa.
Chợ tình Sa Pa vốn là một nét sinh hoạt văn hóa đầy tính nhân văn và hấp dẫn đối với khách du lịch. Thông thường, mỗi tối thứ bảy, bà con lại tập trung hát hò, uống rượu tâm sự cho đến khi chếnh choáng men tình. Nhưng sự lấn sâu của du lịch và lối sống đô thị hóa đang làm cho chợ tình biến thái.
Cứ mỗi tối thứ bảy, Giàng A Minh, 21 tuổi, lại đem con Min-khờ dã chiến ra phóng xuống núi đi chợ tình. Nhà của A Minh ở Tả Phìn, cách Sa Pa hơn 10 km. Để mua được chiếc xe này, anh phải bán một con ngựa trắng.
Sa Pa sắp bước vào mùa du lịch, khách đến rất đông. Họ đi ngắm cảnh thì ít mà đi xem chợ tình thì nhiều. Giàng A Minh biết rõ điều đó. Người Dao có truyền thống lập gia đình muộn hơn 4-6 năm so với người Mèo (H’Mông). Chàng trai này nổi tiếng trong bản là người thổi khèn hay. A Minh chưa có bạn tình, nhưng đó không phải là điều chàng trai này quan tâm nhất bây giờ.
20 giờ, du khách đã tập trung kín sân trước nhà thờ đá để xem múa khèn, xem bà con hát. Đám thanh niên thổi khèn có 5 người, lớn nhất hơn 50 tuổi, bé nhất chỉ có vài tuổi. Trong nhóm đó có Giàng A Minh. Chàng cùng với 5 người còn lại bắt đầu thổi khèn, nhảy múa vang cả một vùng. Năm cái khèn cộng hưởng với nhau, từ lớn đến nhỏ tạo nên một không khí đầy sôi động nhộn nhịp. Người xem có dịp thưởng thức trực tiếp những âm thanh đời sống trong núi rừng.
Bất ngờ, khoảng 30 phút sau, cậu bé ít tuổi nhất ngừng thổi, ngả mũ ra, đi một vòng quanh: "Cho tiền đi, sẽ thổi tiếp cho mà nghe". Ban đầu, một vài vị khách hơi ngạc nhiên nhưng rồi cũng có người móc túi bỏ ra 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. Thấy ít người cho tiền, cả nhóm ngừng thổi.
"Không cho tiền, không thổi nữa đâu.", một trong năm người nói. Thế là khách xem phải móc túi đưa thêm. Cậu bé đi thêm hai vòng nữa, thấy cũng được kha khá rồi, bèn vơ vội nhét vào túi áo rồi nhóm lại thổi tiếp. Nhưng điệu khèn sau đó dường như diễn ra một cách gượng gạo, thiếu đi nét tự nhiên vốn có. Cứ tầm 30 phút một lần, cả nhóm dừng thổi khèn, hoặc một nửa thổi, nửa còn lại ngửa mũ xin tiền.
22 giờ, không khí lạnh thêm, Sa Pa bảng lảng chút sương mù làm cho cảnh sắc thêm phần "tình tứ". Có một đoàn khách ở TP HCM ra. Cánh đàn ông mặt ai cũng đỏ gay vì rượu Bắc Hà mua được từ khu bán hàng. Họ bắt đầu "tấn công" vào chợ tình bằng cách rót rượu ra mời bà con. Gặp ai, họ cũng ép uống, nhất là mấy người thổi khèn.
![]() |
"Vào đi, sẽ được tiền đấy". Ảnh: Người Lao Động. |
Lúc này, nhóm của Giàng A Minh đã tan. Có một số người khác vào thế chỗ và say mê thổi. Vị khách tên Hoàng có giọng lơ lớ cứ ép một cụ già người Mèo uống rượu và thổi khèn. "A, thiếu người yêu rồi. Người yêu của ông đâu, mời vào nhảy cùng đi", anh ta la lên. Cụ già ngượng ngùng: "Không có". Anh ta chỉ vào một cụ đứng bên cạnh: "Đây còn gì. Vào đi, ông mời người yêu uống rượu đi chứ.Sẽ có tiền cho, đừng lo". Đám đông hưởng ứng. Bà cụ xua tay: "Không, không phải người yêu đâu mà".
Cụ ông kéo cụ bà vào, uống xong một cốc rượu rồi nhảy. Du khách phấn khích hò hét ầm ĩ theo tiếng khèn, tiếng vỗ tay. Những tờ giấy bạc 5.000 đồng, 10.000 đồng được rút ra. Người đàn ông miền Nam cầm cái mũ của mình thu lại thành một tập mong mỏng rồi nhét vào túi cụ già H’Mông. "Tất cả là của ông".
Cách đó không xa là một người đàn ông tóc búi tó người Kinh bán sáo kiên nhẫn thổi các bài hát hiện đại, từ Chị tôi đến Cô gái mở đường. Đây là "chiêu"’ tiếp thị để bán sáo. Khách xem vẫn chủ yếu là người Kinh. Họ ngồi tràn ra đường, ăn trứng nướng, khoai nướng.
Tại khu vực sân vận động, nhiều đứa trẻ người H’Mông mà trên Sa Pa thường gọi là "Mèo con" dường như chẳng chú ý mấy đến chợ tình. Chúng chơi các trò chơi với khách ngoại quốc khá hồn nhiên và vui vẻ.
![]() |
Một đôi Ta-Tây. Ảnh: Người Lao Động. |
Đa số các cô gái H’Mông và Dao đi bán thổ cẩm dạo xung quanh khu vực ấy. Thỉnh thoảng cũng trò chuyện với khách, nhưng chủ yếu là xì xồ mặc cả giá tiền. Vậy là, bức tranh chợ tình trở nên nhốn nháo. Giàng A Vàng, người cùng làng với Giàng A Minh, thở dài: "Không còn nữa đâu. Chợ bây giờ toàn bán hàng hóa thôi. Đi cho vui chứ không thích bằng ngày xưa nữa".
Khách đến Sa Pa từ lâu không còn lạ với hình ảnh khách Tây cặp với các cô gái người dân tộc. Những cô gái này nói tiếng Việt không sõi nhưng nói tiếng Anh thì nhanh như gió. Đấy là bởi họ giao tiếp với người nước ngoài từ tấm bé.
Cuộc sống của các cô gái mới lớn giống như con thú, cây cỏ. Họ thích lang thang cả ngày, thích rong chơi. Có khi trèo đèo lội suối bở hơi tai kiếm được bó củi chỉ để mang xuống chợ bán, ăn một bữa no nê rồi về. Vì vậy mà khách Tây rất thích lối sống của họ.
Quan niệm của họ thế này: Cứ nói chuyện vui vẻ là đi với nhau thôi. Trên các góc phố và các con đường dạo bộ của Sa Pa, dễ dàng nhận thấy các đôi "Tây- Ta" khá tình tứ. Họ khoác tay nhau đi, ôm hôn nhau như Tây. Họ đi với nhau cả ngày, rồi qua đêm nữa. Người dân ở Sa Pa vẫn bảo: "Mấy cô dân tộc không tính toán nhiều tiền đâu. Cứ thích là đi thôi. Đôi khi chỉ cần bát phở hay bữa cơm là có thể vui vẻ với nhau cả ngày".
Còn có câu chuyện được rỉ tai khách đến chơi Sa Pa, chẳng biết thực hư ra sao, đó là du khách rất thích "mùi" của các cô gái dân tộc. Nó vừa có vị khét khét của quần áo lâu ngày không giặt, lại có mùi mồ hôi tích tụ lại thành muối ở mỗi vệt đen trắng lẫn lộn trên ngấn cổ, ngấn tay. Phải là người thật tinh mắt mới nhìn thấy được điều đó.
Cái người dưới xuôi gọi là "bẩn" thì người của núi rừng đại ngàn lại không nghĩ vậy. Âu cũng là chuyện dễ hiểu. Vậy là, cái gọi là "du lịch nhân văn" ở Sa Pa vẫn có "mùi" của dịch vụ "đi khách" như dưới xuôi.
Đi ở Sa Pa, thỉnh thoảng mọi người vẫn thấy một vài đứa trẻ dân tộc có làn da trắng và mái tóc vàng. Đó là hệ quả của việc dạo chơi cùng với du khách nước ngoài. Các cô gái lang thang, sinh ra những đứa trẻ cũng lang thang như con ma xó khắp ngóc ngách núi rừng Sa Pa.
(Theo Người Lao Động)