Có ai đã từng có những tháng ngày tuổi thơ cắp sách tới trường như vậy chưa? Hình ảnh trên chính là con đường đến trường hàng ngày của học sinh làng An Cầu (Nga My, Phú Bình, Thái Nguyên). Con đường lầy lội, trơn trượt này kéo dài khoảng 2 km.
Hàng năm, mỗi khi mùa mưa tới, phụ huynh, học sinh, cư dân nơi đây lại ngao ngán, lắc đầu và thở dài bởi hàng ngày, họ đều đặn hai lần vượt qua những chặng đường gian nan ấy để đến được với trường lớp, đến được với kiến thức, con chữ.
Tình trạng này đã kéo dài và lặp đi, lặp lại được 8 năm nay. Kế hoạch mở rộng con đường này để láng bê- tông mãi vẫn chưa thực hiện. Cuối cùng bê- tông chẳng thấy đâu, người ta chỉ thấy toàn đất sét bê bết, để rồi mỗi lần mưa xuống (dù to hay nhỏ) thì nhà nhà, người người chỉ biết bảo nhau: "Có việc cần thiết thì đi ra ngoài, còn không thì ở nhà cho lành".
Hàng ngày, các em học sinh (từ tiểu học tới THPT) vẫn đang phải lặn lội trên con đường trơn trượt gần 2 cây số ấy để đến trường, cả đi cả về là 4 km. Tôi từng gặp và nói chuyện với một em gái tên Phong (học sinh lớp 7, trường THCS Nga My). Với đôi mắt hồn nhiên, vui tươi, trong veo, em nở nụ cười ngượng ngùng và e thẹn khi gặp người lạ và trả lời tôi:
“Nhiều hôm, tới đêm rồi chúng em vẫn chưa về được tới nhà vì đường bẩn mà đi xe đạp thì đất cứ dính vào bánh xe, không làm sao mà nhấc được bánh xe đó lên, không nhúc nhích được nửa bước”, em nói.
Tôi đã chứng kiến các em học sinh đi xe đạp trên những đoạn đường đó, không làm sao mà dắt được xe, chứ đừng nói gì tới việc ngồi lên mà đạp quay vòng vèo vèo. Những mảng đất sét trơn và trượt, bám từng mảng to tướng vào các bánh xe, các em thì người nhỏ bé, không làm sao có thể nhấc xe lên được, trời thì mưa như xối nước.
Nếu không nhờ có sự trợ giúp của người qua đường hoặc các bạn cùng đường bếch xe qua một đoạn đường dài đó thì cứ là đứng đợi trời nắng, đường khô, hoặc hết mùa mưa thì mới về tới nhà.
Chưa hết, vì đường rất trơn và trượt, chỉ cần các em không để ý, bất cẩn là có thể té nhào xuống cái nền đất ấy hoặc ngãn xuống ruộng lúa ven đường, lấm bê, lấm bết từ trên xuống dưới, khóc tu tu.
Có em sáng sớm đi học bị té ngã bẩn hết từ chân đến đầu phải quay về, những em còn lại phải xách dép đi chân đất hoặc là bố mẹ sắm cho đôi ủng để đi. Đó là hành trình đi tìm kiếm cái “chữ”, sự học của các em học sinh tiểu học và trung học ở vùng quê này.
Còn các các em học sinh THPT thì sao? Ngày ngày, các em phải lặn lội hơn 20 km cả đi lẫn về nếu học trường huyện, còn học ở cơ sở mới cũng phải lặn lội 15, 16 km đường đất sườn và dốc.
Phải vượt qua những chặng đường đất trơn trợt như thế, những đoạn đường còn lại không khác gì những “ổ trâu, ổ bò”. Em Chức, nam sinh lớp 10 trường THPT Phú Bình chia sẻ: “Ở trường tan học là hơn 5h chiều, đạp xe từ trên huyện về đến xã trời cũng đã tối sầm. Những hôm mưa gió thì “tối còn hơn mực”, đường thì trơn, bọn em không biết làm thế nào để dắt xe qua đoạn đường đấy”.
Vì vậy, để tránh rắc rối không may trên con đường đầm lầy ấy, các em này đã phải tìm cho mình một con đường khác để đi, xa hơn, lòng vòng hơn, đó là đi vòng qua xã bên cạnh để lên trường huyệ, hoặc trường cơ sở.
Quả là một hành trình gian truân và vất vả để đến được với kiến thức, đến được với cái chữ.
Năm nào cũng thế, hễ mưa là đường lại như vậy. Từ hồi tháng 2 đến nay, trời mưa hoài, mưa suốt, mưa không ngớt và con đường cứ ngày một trầy trượt hơn. Cư dân nơi đây mỗi lần đi qua, đi lại đều có những trạng thái khác nhau. Người thì thở dài, than vãn "bao giờ mới có đường mới?", người thì chửi thề, chửi trời, chửi đất, chửi ai đó, có người thì xót xa “thương lũ nhỏ đi học” hoặc “ mong trời đừng mưa nữa”…
Tôi cũng đã từng là một trong những học sinh của 8 năm về trước đi trên con đường ấy hồi cấp ba nên tôi thấm thía, xót xa cho những gì mà các em nhỏ đang phải trải qua hàng ngày ở vùng nông thôn xa xôi này.
Cuộc sống của cư dân nơi đây vô cùng khó khăn và vất vả vào những mùa mưa. Bây giờ chứng kiến những hình ảnh thực tế đến trường của các em nhỏ, những kỷ niệm tuổi thơ ngày đó hiện về vẫn còn rõ nét, vẫn y nguyên như của ngày hôm qua với tôi.
Vào những chiều mưa “trời tối đen như mực”, tôi cùng đám bạn của mình đạp xe từ trường huyện về, không thể nào mà xoay sở để đi về trên con đường của xã mình. Đứa nào đứa ấy lại vội vàng quay đầu xe đi vòng xuống xã dưới rồi men theo bờ kênh để về nhà”.
Tôi nhớ có lần vì không quen đường mới, trời tối có bạn đã lao vào bụi râm, bờ rào ven đường, gai đâm rách cả quần áo, xước hết da tay, da mặt. Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó chúng tôi thật dũng cảm và kiên trì. Bởi trời đêm tối, đường khó đi, trong số bọn tôi, không phải ai cũng cố gắng để đi hết những mùa nắng, mùa mưa như vậy để đến trường.
Tôi viết bài viết này với mục đích để chia sẻ với chúng ta rằng: "Ngày ngày cuộc sống này vẫn có những em nhỏ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để được cắp sách tới trường. Các em đã phải vất vả với thiên nhiên, với cuộc sống này, thế nhưng nụ cười hồn nhiên rạng ngời trên khuôn mặt của các em ấy thật đáng khâm phục, tự hào và đáng yêu".
Hiện nay, tôi đã ra trường thế nhưng rất ít có thời gian về thăm quê. Mỗi lần có thời gian tranh thủ để về thì mẹ và các em tôi lại bảo: “Chị đừng về vì đường bẩn không ai đi đón được đâu”, bởi nhà tôi cách xa bến xe 10 km đường đồi, đường ruộng.
Chính đôi chân tôi bước đi trên con đường đó, chính mắt tôi chứng kiến những hình ảnh ấy của các em nhỏ làm tôi không khỏi xót xa. Lúc đó, tôi thấy bản thân mình thật bất lực, bất lực vô cùng vì chưa có đóng góp được gì cho quê hương mình.
Tôi chỉ biết thầm nhủ với chính mình rằng cần phải chăm chỉ và nỗ lực, làm việc, lao động. Cần phải cố gắng rèn luyện nhiều hơn nữa để tới một ngày tôi sẽ thực hiện được kế hoạch của mình là góp một phần nhỏ bé của bản thân vào việc xây dựng con đường mới và thư viện sách cho các em nơi đây được cắp sách tới trường trong niềm vui hân hoan. Để nụ cười hồn nhiên của các em rạng ngời và rực rỡ hơn nữa.
Tôi rất mong độc giả trong và ngoài nước đón nhận, đồng cảm, lòng yêu thương, sự chia sẻ của con người với con người, của người đang được hưởng hạnh phúc, đầy đủ với những em nhỏ đang còn thiếu thốn nơi đây. Rất mong sẽ gặp được người cùng chung chí hướng để đồng hành cùng tôi thực hiện kế hoạch này.
>> Xem thêm: Trẻ đi học bằng máy cày vì đường 'như đầm lầy'
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.