Tên sách: Sài Gòn - Chuyện đời của phố (phần hai)
Tác giả: Phạm Công Luận
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM, Phương Nam Book
Cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố của tác giả Phạm Công Luận vừa xuất hiện trên kệ sách. Những ngày giáp Tết, trong không khí chộn rộn náo nhiệt ở Sài Gòn, ấn phẩm là món quà xuân ý nghĩa, như ngụ ý "nhớ chuyện xưa, nhắc chuyện ngày nay" dành cho những ai xem đô thị lớn nhất nước là mảnh đất thân yêu.
Phạm Công Luận tâm sự, có quá nhiều điều anh không thể nào biết hết về thành phố nơi mình đang sống. Chính vì hấp lực của mảnh đất phương Nam trẻ trung, năng động, tác giả cất công đi gặp những người còn giữ trong họ "hồn thu thảo" của mảnh đất này. Họ đều hơn 70 - 80 tuổi. Cách nay nửa thế kỷ, họ xông xáo, nổi bật trong lĩnh vực của mình, góp phần từng chút một để xây dựng diện mạo thành phố một thời. Bên cạnh những nhân chứng sống, người viết còn tìm tòi nhiều nguồn tư liệu, len lỏi đến những ngóc ngách, những căn biệt thự cổ, những ngõ hẻm, cửa hàng bán đồ xưa, đồ cũ... Kiên nhẫn ngược dòng thời gian, Phạm Công Luận chắt lọc điều anh nghe thấy, biết được để viết ra các bài tản mạn, chuyện kể đầy cảm xúc.
"Sài Gòn - Chuyện đời của phố" xoay quanh đời sống đô thị vào thập niên 1950-70. Như lời ngỏ của tác giả, giai đoạn 40-50 năm trước, thành phố này luôn phập phồng sống giữa không khí chiến tranh. Tuy vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân Sài Gòn vẫn lạc quan, tận tụy xây dựng cuộc sống của mình, chung tay dệt nên bức tranh thành phố đẹp về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, cảnh quan...
Là mảnh đất của người nhập cư, Sài Gòn chứa đựng trong lòng nó nhiều điều kỳ thú. Chính cuộc sống sinh hoạt đời thường, đời sống tinh thần, đời sống lao động của người dân tạo nên bộ mặt đô thị nhộn nhịp từ rất sớm cho thành phố. Phạm Công Luận còn nhớ cảm giác những ngày giáp Tết khi anh được đi siêu thị Nguyễn Du - khu siêu thị lần đầu tiên có ở Sài Gòn và cũng là siêu thị đầu tiên của cả nước. Những bức ảnh tư liệu kèm theo bài viết cho thấy, hàng chục năm về trước, Sài Gòn có nếp sống văn minh, hiện đại.
Cũng trong năm 1971, giới kiến trúc Sài Gòn từng tổ chức cuộc thi "Đồ án chợ Sài Gòn trong tương lai". Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng là người đoạt giải nhất với bản đồ án thiết kế công phu, chi tiết thay đổi diện mạo chợ Bến Thành khang trang, hiện đại hơn. Tuy vậy, do dân chúng muốn giữ lại ngôi chợ cũ cũng như kinh phí thành phố thời điểm đó không đủ, cuối cùng, đó là bản đồ án dở dang. Đến nay, chợ Bến Thành có tuổi đời hơn 100, là một trong những hình ảnh biểu tượng của nét đẹp xưa Sài Gòn.
Tác giả dành nhiều trang soạn lại chân dung tinh hoa miền Nam trong lĩnh vực âm nhạc, văn học và mỹ thuật. Đó là ban nhạc Tuổi Xanh với ký ức trong veo về những gương mặt ca sĩ thiếu nhi một thời. Ban nhạc được hình thành từ năm 1954, phát triển đến năm 1975, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Đó là tình yêu của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang với người vợ mong manh và chung thủy của ông. Đó là hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi hai mươi ba trong một căn gác trọ qua lô ảnh màu được cất giữ cẩn thận... Trong bài viết Tâm sự của cụ Sển, độc giả hiểu thêm về khí khái, tâm tư của cụ qua lá thư tay góp ý về chế độ lương hưu của mình với chính quyền Sài Gòn. Bài Bảnh trai Sài Gòn lại giúp người đọc nhìn lại vẻ đẹp của đàn ông nơi đây cách nay trên dưới nửa thế kỷ. Vẻ đẹp ấy khi sáng sủa, lãng mạn kiểu vẻ đẹp trí thức Pháp, khi kiêu hùng, khinh bạc như phim cao bồi Mỹ du nhập vào Việt Nam thời đó.
Ở bài viết Đồ tế nhuyễn của một cô đào, chỉ từ một chiếc hộp sơn mài đựng vật trang điểm của một nữ nghệ sĩ ở gánh hát xưa được bán lại cho một cửa hàng mỹ nghệ, tác giả vẽ nên nỗi hoài nhớ về những người nghệ sĩ một thời vàng son. Độc giả cũng bắt gặp đâu đó trên trang viết niềm vui vì điều xưa cũ được thay đổi bằng những nét mới, đẹp hơn, giàu có hơn. Và cũng có cả những tiếc nuối về điều đã mất hoặc sắp mất nếu mọi người vô tình để các giá trị tinh thần, vật chất xung quanh họ mai một.
"Sài Gòn - Chuyện đời của phố" phần hai còn là quyển sách đẹp từ nội dung đến hình thức. Sách in giấy bóng, phù hợp với mục đích vừa đọc thưởng thức vừa cất giữ làm tư liệu. Sách có nhiều hình ảnh xưa với gần 200 tấm ảnh màu và đen trắng. Trong Lời ngỏ đầu sách, tác giả bộc bạch: "Ký ức đáng quý, vì bao nhiêu cảnh cũ đã thay đổi sạch trơn. Chúng ta cần vội vàng lên để ghi nhận lại những điều đáng quý như vậy, từ những nhân vật lừng lẫy hay những người bình thường. Chúng ta cần và 'hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng, vì chúng ta sẽ không bao giờ kể lại được điều mình đã quên đi' như lời của Louisa May Alcott, một tiểu thuyết gia người Mỹ đã nói. Tôi không có ký ức gì nhiều về Sài Gòn xưa, nên muốn góp sức nhỏ để tiếp tục giữ lại ký ức của các bậc trưởng niên, và từ kho báo cũ chồng chất bụi thời gian".
Dương Vân