Nếu vụ việc chỉ dừng lại ở hành vi vô ý thì Tuấn chỉ có thể bị xem xét về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS với mức hình phạt tối đa đến 15 năm.
Tuy nhiên, sau khi vô ý cán vào cô gái, Tuấn lại điều khiển xe cán lên người nạn nhân nhiều lần nên yếu tố vô ý không còn nữa, ý thức chủ quan của Tuấn khi thực hiện hành vi phạm tội đã chuyển hóa từ hình thức “vô ý” sang “cố ý”, từ vô ý gây tai nạn thành cố ý tước đoạt sinh mạng của nạn nhân.
Hành vi cố ý của Tuấn đặc biệt nguy hiểm và thực tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng làm chết người nên chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người đối với Tuấn theo Điều 93 BLHS là phù hợp.
Tuấn là một lái xe, khi gây tai nạn không cứu giúp nạn nhân nhưng lại lợi dụng phương tiện sẵn có để cán 3 lần lên người nạn nhân. Như vậy, hành vi của Tuấn có ít nhất là 2 dấu hiệu được coi là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, thuộc 2 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS là “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”. Người phạm tội thuộc một trong những trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 93 BLHS thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, hành vi phạm tội của Tuấn còn có 2 tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 BLHS là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” và “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng phải truy tố Đặng Hữu Anh Tuấn về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS mới đúng. Việc chỉ truy tố Đặng Hữu Anh Tuấn về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (trường hợp giết người thông thường) là không phù hợp.
Về việc không cứu giúp nạn nhân? Điều 102 BLHS quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Theo quy định của điều luật này thì đây là hành vi của người “thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”, chứ không phải là hành vi của người gây ra tình trạng nguy hiểm đó.
Hành vi của Đặng Hữu Anh Tuấn không cấu thành tội không cứu giúp … vì Tuấn là người đã trực tiếp gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, việc Tuấn cố tình bỏ chạy sau đó - cùng với hành vi cán 3 lần lên người nạn nhân - như tôi đã nêu ở trên - là một tình tiết tăng nặng đặc biệt quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 49 BLHS, tình tiết “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”.
Về mức hình phạt 8 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với Tuấn: Theo các thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì mức hình phạt 8 năm tù với Tuấn là nhẹ. Mức hình phạt này nhẹ một phần là do Viện kiểm sát chỉ truy tố Đặng Anh Tuấn về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS; một phần là do tòa án đã quá nhấn mạnh đến các tình tiết giảm nhẹ như “bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đại diện bị hại đã xin giảm hình phạt cho bị cáo” mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, trong khi việc áp dụng những tình tiết giảm nhẹ này cũng không chính xác.
Điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS quy định chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ khi “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Đúng là Tuấn “phạm tội lần đầu” nhưng hành vi phạm tội của Tuấn không thuộc “trường hợp ít nghiêm trọng” nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này là không phù hợp. Nếu xác định Tuấn phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS thì yếu tố lỗi của bị hại cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ để xem xét.
VKS có quyền kháng nghị bản án. Theo quy định tại Điều 231, 232 và Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm; Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm.
Thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
Nếu xét thấy việc xét xử của tòa án cấp sơ thẩm chưa được thỏa đáng, người đại diện hợp pháp của cháu Hoa có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cũng có thể kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo. Hy vọng rằng ở cấp phúc thẩm, những nội dung pháp lý của vụ án sẽ được làm rõ, bản án phúc thẩm sẽ đạt được yêu cầu đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội) đã có gần 20 năm công tác tại Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao và là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên khảo về luật hình sự. |