Bỉ vỏ được Nguyên Hồng ra mắt năm 1938, khi ông chưa đầy 20 tuổi. Tác phẩm giúp Nguyên Hồng xác lập tên tuổi trên văn đàn Việt Nam. Gần 80 năm sau, tác giả Nguyễn Đăng Thanh chuyển thể câu chuyện thành kịch bản Những số phận bị đánh cắp. Dưới bàn tay dàn dựng của NSND Doãn Hoàng Giang, Bỉ vỏ bước lên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội, vẫn mang đến nỗi ám ảnh về phận người trong xã hội cũ.
Tác phẩm xây dựng bi kịch của Tám Bính - một cô gái ngây thơ tin cuộc đời như yêu Chúa, bị xô đẩy trở thành dân giang hồ khét tiếng. Bám sát cốt truyện của Nguyên Hồng, vở kịch là những biến cố liên tiếp, dồn dập, càng về sau càng mạnh và bi kịch hơn. Tám Bính trải qua nhiều nỗi đau, mất mát cùng cực. Cô bị lừa gạt, phụ tình, sinh con một mình rồi bị tước mất con. Lên thành phố, cô gái xinh đẹp bị hãm hiếp, bị đưa vào nhà thổ, rồi được tay đàn anh giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn chuộc về làm vợ. Trở thành người đàn bà trộm cắp nổi tiếng, Tám Bính cùng chồng dọc ngang hành nghề tại đất cảng. Một lần, băng đảng bắt cóc một đứa trẻ đeo đầy vàng bạc, quá trình chạy trốn đã khiến đứa trẻ chết ngạt. Trớ trêu thay, đứa bé có cái bớt trên trán ấy chính là đứa con của Tám Bính bị tước đi thuở nào.
Xây dựng một vở diễn với những nhân vật là dân anh chị, gái điếm, với toàn những chuyện cướp bóc, thanh trừng, nhưng Bỉ vỏ vẫn lấp lánh vẻ đẹp của lòng nhân ái. Xuyên suốt những biến cố của cuộc đời, Tám Bính lúc nào cũng đau đáu với ước nguyện đi tìm đứa con bị bán đi. Cô hành nghề trộm cắp cũng bởi muốn có tiền chuộc con. Chồng Tám Bình - Năm Sài Gòn - tuy là tay giang hồ tung hoành ngang dọc, vẫn luôn giữ những nguyên tắc của kẻ anh hùng.
Hóa thân thành Tám Bính và Năm Sài Gòn là hai nghệ sĩ ưu tú của sân khấu thủ đô. Vai Năm Sài Gòn được NSƯT Trung Hiếu thể hiện. Từ diễn xuất hình thể tới âm điệu giọng nói của anh đều ra chất một tay đàn anh có khí phách. NSƯT Thu Hà với vẻ đẹp không tuổi hóa thân thành Tám Bính. Từ một người chuyên đóng những vai tiểu thư lá ngọc cành vàng, Thu Hà trở thành một người đàn bà giang hồ, với đủ trạng thái đau khổ, tủi nhục ở Bỉ vỏ. Chị không có chút thời gian ngơi nghỉ trong 150 phút diễn ra vở kịch, thể hiện những thân phận khác nhau (cô thôn nữ trong sáng, kỹ nữ ê chề, người đàn bà trộm cướp có nghề, vợ tay mật thám an phận...).
Bỉ vỏ trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội đã truyền tải tính bi thương, những phận người bị áp bức, đẩy đến đường cùng. Tác phẩm để lại nhiều ám ảnh về số phận người dân lao động trước Cách mạng tháng Tám (1945). Trong vai trò trợ lý đạo diễn, NSƯT Trung Hiếu nói: "Chúng tôi muốn thông qua những nhân vật có khả năng lay động lòng người đó, người xem có thể chia sẻ, cảm thông và biết được giá trị của cuộc sống hôm nay".
Lam Thu