Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ngày 15/3, cho biết trong xử lý dịch bệnh thì vấn đề khử khuẩn môi trường là rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh bệnh Covid-19 chưa có thuốc trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh.
Việc khử khuẩn phải đúng cách, căn cứ vào cơ chế lây nhiễm. Ví dụ, virus qua các giọt bắn có thể rơi xuống bề mặt. Khi bàn tay sờ vào tay nắm cửa, các vật dụng, rồi cho lên mắt, mũi, miệng sẽ gây lây nhiễm.
Việc lau các bề mặt vô cùng quan trọng. Hãy dùng hoá chất để lau tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, thiết bị vệ sinh vì có nhiều virus trên các bề mặt này. "Chỉ nên phun hoá chất ở các vật dụng có khả năng lây lan virus trong nhà, còn việc phun ngoài đường, phun trên không gian bên ngoài không có tác dụng vì không có virus ở đó, chỉ làm tốn hoá chất", ông Phu nói.
Theo hướng dẫn khử khuẩn tại nhà của Bộ Y tế, hộ gia đình cần làm sạch và khử khuẩn các bề mặt và vật dụng hàng ngày. Các khu vực thường xuyên chạm vào như mặt bàn, tay nắm cửa, dụng cụ cầm tay, bàn, nhà vệ sinh, vòi, bồn rửa cần được ưu tiên làm sạch và khử khuẩn.
Một số khu vực khác như nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung nên khử khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày.
Nên thực hiện vệ sinh khử trùng nơi ở hàng ngày theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Ngoài ra, để phòng dịch, việc sát khuẩn tay sạch bằng xà phòng là điều tất yếu. Các thời điểm rửa tay cần thiết là ngay sau khi về nhà; sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như: bảng điều khiển thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can...; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ, người ốm; trước khi ăn; trước và sau khi chế biến thực phẩm và khi bàn tay bẩn. Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.