Sau chuyến điều tra tại Trung Quốc hồi đầu năm, nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng rất có thể nCoV truyền từ dơi sang người qua động vật trung gian, còn giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được cho là "cực kỳ khó xảy ra".
Tuy nhiên, trong bài đăng hôm 25/8 trên tạp chí Nature, 11 trong số 17 nhà khoa học trong nhóm điều tra WHO cho rằng kết luận đó chỉ là "bước đầu tiên trong một quá trình đã bị đình trệ".
"Nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc Covid-19 đang ở thời điểm rất quan trọng. Cánh cửa cơ hội để thực hiện cuộc điều tra quan trọng này đang khép lại nhanh chóng", các chuyên gia WHO cảnh báo.
"Kháng thể nCoV dần mất đi, nên việc thu thập thêm mẫu vật và xét nghiệm những người có thể bị nhiễm trước tháng 12/2019 sẽ ngày càng thu được ít kết quả", bài viết có đoạn. "Nhiều trang trại động vật hoang dã ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, các con vật bị giết thịt, khiến việc tìm bằng chứng về giai đoạn lây lan đầu tiên của nCoV càng khó khăn".
Tuyên bố trên được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi WHO thúc giục Bắc Kinh cung cấp thông tin về các ca nCoV đầu tiên, gồm 174 ca nhiễm được xác định từ tháng 12/2019 mà các chuyên gia cho rằng không được Trung Quốc chia sẻ trong cuộc điều tra ban đầu.
Theo các nhà khoa học, thời điểm đó họ đã đồng ý rằng giai đoạn hai của cuộc điều tra sẽ lấp đầy khoảng trống thông tin này. Tuy nhiên, Trung Quốc hồi đầu tháng phản đối đề nghị của WHO, cho rằng cuộc điều tra vào tháng một đã đủ, đồng thời cáo buộc yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu được thúc đẩy do yếu tố chính trị thay vì khoa học.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 ra lệnh cho cộng đồng tình báo thực hiện cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 trong 90 ngày. Tuy nhiên, sau ba tháng "gấp đôi nỗ lực", tất cả các cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ đều không tự tin vào một trong hai giả thuyết về nguồn gốc Covid-19, gồm rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay có nguồn gốc tự nhiên.
Ngọc Ánh (Theo AFP)