Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 - chuyên đề nông nghiệp, để trả lời cho câu hỏi của người điều phối, ông Trương Gia Bình về việc: "Nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc về nông sản, đâu là con át chủ bài mà chúng ta cần phải quan tâm đầu tư và phát triển?". Bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: "Hai con át chủ bài của Việt Nam phải là chuẩn chất và giá trị gia tăng".
Bà cho biết, trong hai năm qua, đơn vị của bà đã đồng hành sát sao với các hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp để giúp họ phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đó bà nhận ra một thực tế rất sốc rằng không những người nông dân mà cả các doanh nghiệp cũng đếu rất ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế.
![Bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2018/07/30/11-2695-1528251514-4089-1532927919.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N5cUCV5utQGfkQ1WOUz7mQ)
Bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đi tìm lời giải cho thực tế này, bà Hạnh nhận định: "Từ trước đến giờ nước ta chủ yếu xuất thô, bán tiểu ngạch nhiều nên ít khi bị xem xét đến các giấy tờ", vì vậy người nông dân không nhận thức được việc phải trồng trọt theo tiêu chuẩn khoa học. Trong khi nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với các chứng chỉ chất lượng, nhiều nước khác đã không còn quan tâm đến vấn đề này, bởi họ coi việc đáp ứng tiêu chuẩn là vấn đề tất nhiên, mang tính chất knockout. "Nghĩa là nếu không đủ tiêu chuẩn thì không thể tiếp tục làm bất cứ điều gì tiếp sau, cũng đồng nghĩa với việc bị loại từ vòng gửi xe", bà Vũ Minh Hạnh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định, nếu muốn làm ăn quốc tế phải có tiêu chuẩn và có sự cam kết bằng giấy tờ. Bà Hạnh trích dẫn lời phát biểu của ông Vũ Kim Sơn về việc sản phẩm của Việt Nam bị tất cả các thị trường phát triển cảnh cáo, và vì không thể thâm nhập thị trường nên giá trị gia tăng của nông sản cũng kém. Từ đó bà khẳng định, sản xuất nông sản sạch, đúng tiêu chuẩn cũng như sản xuất nông nghiệp hữu cơ là lấy lại danh dự cho nông sản Việt Nam.
Theo bà Vũ Minh Hạnh, chỉ có một giải pháp duy nhất để nâng cao giá trị cũng như giải quyết bài toán "giải cứu nông sản" là phải tiến hành chế biến. "Chúng ta vẫn thường nói vải Việt Nam khó xuất khẩu, nhưng bà Hạnh khẳng định, nếu chế biến thật tốt để xuất khẩu thì những vấn đề như bị sâu bệnh hay thời vụ ngắn không còn là trở ngại để nâng cao giá trị.
Để thực hiện tốt việc chế biến nông sản, theo bà Hạnh, các doanh nghiệp cần phải chú trọng hai vấn đề chính là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp hiện nay, thường sai ngay từ bước đầu khi đặt bài toán để nghiên cứu, và khi có kết quả cũng không biết phải phân tích sử dụng như thế nào. Từ thực tế đó, bà Vũ Minh Hạnh nhấn mạnh việc phải thành lập một nhóm nghiên cứu thị trường luôn luôn cập nhật thông tin cho nông dân.
Bên cạnh đó, bà cho rằng các doanh nghiệp cần tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi tất cả các hội chợ uy tín trên thế giới để học "túi khôn" của thiên hạ. Bà cho biết: "Hai giải pháp này nghe có vẻ cụ thể và hơi nghèo nhưng theo tôi nếu làm được thì sẽ rất tốt".
Cũng trong khuôn khổ buổi thảo luận, trả lời cho câu hỏi sẽ kiến nghị điều gì với thủ tướng để phát triển thị trường cho nông nghiệp Việt Nam, bà Hạnh chia sẻ: "Tôi chỉ có một kiến nghị thôi, những gì mà chúng ta muốn tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhất là Thủ tướng đã chỉ thị rồi thì phải kiểm soát việc thực hiện".
Vi Vũ