![]() |
TS Trần Hữu Sơn. Ảnh: H.P. |
- Mỗi dịp đầu năm, xã hội lại chứng kiến cảnh cướp lộc, cướp ấn tràn lan... ở các lễ hội. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Đầu năm đi hội, đi lễ là để cầu mong những điều tốt lành, đây là nét văn hóa truyền thống đáng quý. Song nhiều năm nay đã có sự biến tướng khiến nhiều lễ hội trở nên hỗn loạn, tranh cướp, giành giật nhau xin ấn, xin lộc. Sự biến tướng này bắt nguồn từ cơ chế thị trường khiến nhiều giá trị thay đổi, tính cá nhân được đề cao, tính cộng đồng giảm sút. Trong ba chữ Phúc - Lộc - Thọ thì giờ Lộc luôn phải được đặt trên hàng đầu.
Lễ hội là tấm gương phản ánh xã hội rõ nhất. Xã hội có chạy chức, chạy quyền, đua chen, giành giật nhau thì lễ hội cũng thế, đóng ấn tín rởm, tranh nhau cướp lộc, thậm chí đến nhà chùa cũng phát lộc để người ta tranh giành. Chính con người đã mang hành vi ngoài đời vào trong lễ hội. Tất cả đều là biểu hiện mưu cầu lợi ích cho cá nhân.
- Như ông nói những tranh cướp đều thể hiện tính cá nhân, mong muốn một chữ Lộc về cho mình. Lộc trong tín ngưỡng được hiểu như thế nào?
- Trong lễ hội truyền thống, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thì lộc là những điều may mắn và được chia cho cả cộng đồng. Lễ hội cầu an, cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa đầu năm cũng vậy. Thế nên lễ hội xưa bao giờ cũng có một ông chủ tế, những câu khấn cầu của chủ tế bao giờ cũng là mong ước cho cả cộng đồng chứ không riêng một ai.

Nhiều người tranh cướp manh chiếu với niềm tin ai cướp được sẽ sinh con trai. Ảnh: Ngọc Thành.
Đời sống thay đổi, nhiều quan niệm và giá trị truyền thống cũng đổi thay. Những thứ được gọi là "lộc" cũng thế, thiên về tiền tài nhiều hơn. Những lá ấn đền Trần, hoa tre hội Gióng... đều do con người tạo ra chứ không phải thánh thần. Cũng không có thánh thần nào dạy đi tranh cướp lộc.
- Sự thay đổi đó thể hiện điều gì?
- Đó chính là tâm lý bất an trong xã hội đang chuyển đổi theo cơ chế thị trường. Trước đây cư dân nông nghiệp xuân thu nhị kỳ phụ thuộc vào thời tiết nên mới có những lễ hội cầu an, cầu mùa để mang may mắn cho cả cộng đồng. Nhưng giờ thì làm công chức, đi buôn đều có những bấp bênh, thất bại. Những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn giao thông, bệnh tật... cũng khiến con người sợ hãi, không tiên lượng được ngày mai mình sẽ như thế nào.
Và khi đã bất an, mất niềm tin thì phải tìm đến thánh thần để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Đó chính là trông chờ vào thánh thần có thể giải quyết những bất an trong tâm lý và xã hội đương thời.

Các đền chùa, miếu phủ luôn quá tải người đi lễ cầu an, cầu tài đầu năm. Ảnh: Giang Huy.
- Phải làm gì trước những hiện tượng trên?
- Tôi cho rằng khó dẹp bỏ bởi là hiện tượng xã hội nào cũng có. Ai cũng biết phải dựa vào sức mình chứ không đền chùa nào phù hộ cho hết, nhưng người ta vẫn đi, vẫn nô nức lễ bái. Suy cho cùng, niềm tin thì phải có nhưng không nên cực đoan.
Con người đến với chùa, với Phật để giác ngộ, cầu sự giải thoát qua việc nghe những giảng giải giáo lý nhà Phật, hành thiện, trừ ác cho cuộc sống ngày càng an lạc, hạnh phúc hơn. Lễ Phật là để tỏ lòng thành kính với một bậc đại giác ngộ, học tập và tưởng nhớ đến lời Phật dạy: chăm tu tâm dưỡng tính, học tập để có trí tuệ, rèn luyện để có sức khỏe, có niềm tin vào cuộc sống, giải thoát khỏi tham sân si chứ không phải là để cầu tài, cầu lộc. Không cẩn thận dễ đi vào mê tín. Lễ hội là tấm gương phản ánh thái độ sống của xã hội. Đi hội, đi chùa cầu xin nhiều thứ thể hiện sự tin tưởng thái quá vào thần Phật mà không tin vào mình. Phật dạy phải tự cất bước mà đi, đức Phật chỉ là người chỉ đường. Cầu xin nhiều mà không tự thân vận động, không tu tâm dưỡng tính thì cầu cũng không có kết quả.
Hòa thượng Thích Gia Quang |
Hoàng Phương