Từng tham gia làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa của nhân loại, ông Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam) có nhiều năm nghiên cứu về loại hình văn hoá này. Ông cho biết, việc thướng và nhận tiền cho người hát có cách đây vài chục năm khi quan họ Bắc Ninh chuyển sang hình thức biểu diễn nghệ thuật bán chuyên nghiệp.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Trọng Hiền. Ảnh: Viện Nghiên cứu nghệ thuật quốc gia Việt Nam. |
“Quan họ cổ xưa chỉ các nhóm liền anh, liền chị kết nghĩa với nhau mới hát đối đáp trong ngày hội xuân, hát với nhau đến già. Họ hình thành các nhóm xã hội và được gọi là bọn quan họ”, ông Hiền nói. Chuyện thướng tiền và nhận tiền công hát lúc ấy hoàn toàn không có, bởi mục đích hát là giao duyên, hát cho đội kết nghĩa nghe, không phải để phục vụ cộng đồng chứng kiến. “Đó thuần túy là thú chơi nghệ thuật của những người có tài năng”, ông Hiền nói.
Từ năm 1954, các cuộc hát giao duyên kết thúc do hội làng khi ấy bị cấm. Giai đoạn sau đó, quan họ được hoạt động theo hình thức “đoàn” khi nhà nước thành lập ra đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. “Người ta lấy một phần bài hát quan họ giao duyên, đưa lên sân khấu biểu diễn. Quan họ từ đấy mang màu sắc của âm nhạc chuyên nghiệp. Nó có nền nhạc xập xình, hát để kiếm tiền và là hình mẫu để các làng quê bắt chước”, chuyên gia văn hoá kể.
Thời kỳ đổi mới (1986), các câu lạc bộ quan họ tập hợp người yêu loại hình văn hoá này được hình thành ở nhiều làng quê. Họ lập ra các đội, sắm loa đài, đàn organ, bắt chước đoàn quan họ hát xập xình để kiếm tiền. Quan họ ngày nay trở thành văn nghệ làng, hình thức biểu diễn bán chuyên nghiệp, thu lợi nhuận. Mục đích hát quan họ chuyển từ hát cho nhau nghe thành hát cho cộng đồng chứng kiến.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ban đầu rất khó chịu trước hình ảnh liền anh liền chị hát quan họ ngửa nón xin tiền tại lễ hội vùng Lim. Tuy nhiên, ông đã thay đổi cái nhìn và thông cảm hơn với các “liền anh liền chị”. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, chuyên gia biết những câu lạc bộ hát quan họ không được cấp kinh phí hoạt động. Trong khi đó, việc sắm trang phục, thuê loa đài, thuyền rồng biểu diễn… đều cần tiền. Hát ở lễ hội vùng Lim do đó trở thành dịp để các câu lạc bộ kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Hiền, hình thức nhận tiền thướng trong lễ hội cần thay đổi. Hình ảnh nón quai thao đã đi vào tiềm thức văn hóa, thể hiện nét đẹp của người dân Kinh Bắc. "Giờ nón được ngửa ra để nhận những đồng tiền ném từ bờ ao xuống là rất phản cảm", ông Hiền nói và cho rằng các câu lạc bộ nên bố trí hòm ủng hộ đặt ở bờ ao hay góc lán biểu diễn để ai có nhu cầu thướng tiền cho người hát sẽ tự động cho vào đó.
GS Nguyễn Chí Bền, Nguyên viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, hát quan họ ngày nay để phục vụ công chúng đến xem hội thì việc được nhận tiền công biểu diễn là đương nhiên. Song, hình thức nhận cần tế nhị hơn, không nên giơ nón, giơ khay xin tiền du khách.
Ngày 9/2, một số liền anh liền chị hát quan họ trên thuyền rồng tại lễ hội vùng Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) ngả nón xin tiền gây xôn xao dư luận. Câu lạc bộ này sau đó bị dừng hoạt động và cấm tham gia biểu diễn trong mùa lễ hội năm sau.
Phó ban chỉ đạo lễ hội vùng Lim Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các câu lạc bộ này đều được hỗ trợ kinh phí hoạt động trong thời gian biểu diễn. Số tiền nhận được là vài triệu, đủ để thuê loa đài, trả công cho người hát... Một số câu lạc bộ còn mượn được lán, bạt, thuyền rồng. |
Quỳnh Trang
>>Đội hát quan họ ngả nón xin tiền bị dừng hoạt động
>>Dân tự chặn xe, thu phí đường ở hội Lim
>>Biển người về Bắc Ninh trẩy hội Lim