Độc giả đặt câu hỏi tại đây
Những biến động trong và ngoài nước từ đầu năm đến nay ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh diễn biến địa chính trị từ sự kiện Nga - Ukraine còn nhiều căng thẳng và khó đoán, cộng thêm áp lực lạm phát tăng cao, nhà đầu tư băn khoăn tìm cách giảm thiểu rủi ro cũng như quản lý tốt danh mục của bản thân.
Nhằm gỡ khó cho nhà đầu tư và chia sẻ về những cơ hội mới, VnExpress phối hợp cùng Dragon Capital Việt Nam tổ chức tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị". Sự kiện diễn ra lúc 15h30, ngày 18/3 trên Báo Điện tử VnExpress.net và Fanpage VnExpress với sự đồng hành của hai chuyên gia trong ngành là ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư quỹ DCDS của Dragon Capital và chuyên gia nghiên cứu Đặng Nguyệt Minh.
Ông Bùi Minh Long tốt nghiệp thạc sĩ Tài chính tại trường Đại học Otago (theo chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ New Zealand). Ông có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, tư vấn và đầu tư tài chính. Ông Long gia nhập Dragon Capital Việt Nam từ năm 2017 và đang giữ vị trí Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư quỹ DCDS.
Tham gia tọa đàm còn có bà Đặng Nguyệt Minh - thành viên Ban Kiểm soát Công ty cổ phần chứng khoán TP HCM (HSC). Bà Minh tốt nghiệp trường Đại học Coe College tại Mỹ, có hơn 12 năm kinh nghiệm làm việc tại Dragon Capital Việt Nam ở nhiều vị trí khác nhau. Hiện tại, bà Minh dẫn dắt khối nghiên cứu gồm 16 thành viên và trước khi đảm nhiệm vị trí này, bà từng phụ trách nghiên cứu đầu tư vào các ngành Bán lẻ, Công nghệ thông tin, Tài chính và Nông nghiệp.
Từ đầu năm, thị trường chứng kiến nhiều biến động, từ lo ngại FED tăng lãi suất đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Bất ổn về địa chính trị ở Đông Âu ngày càng gia tăng. Việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 và các động thái trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm rung chuyển các thị trường tài chính, vốn tiềm ẩn rủi ro trước áp lực lạm phát và thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Trong khi giá vàng, giá dầu nhanh chóng leo thang thì thị trường chứng khoán lại xuống dốc. Chỉ số S&P 500 đã giảm điểm 6 trên 7 phiên trước đó, giảm hơn 10% so với mức đỉnh hồi đầu năm. Một số thị trường châu Á chao đảo như Nikkei 225 giảm tới hơn 12%, trong đó, tại Việt Nam, Vn-Index cũng giảm hơn 5% so với mức đỉnh hồi tháng 1 và giảm hơn 3% so với thời điểm trước khi chiến sự xảy ra ở Ukraine.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam chịu áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu lớn. Lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than, giá vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Trong bối cảnh diễn biến địa chính trị còn nhiều căng thẳng và khó đoán, cộng thêm áp lực lạm phát tăng cao, nhà đầu tư cần có kế hoạch gì cho bản thân? Liệu có xuất hiện cơ hội mới cho nhà đầu tư tận dụng trong bối cảnh hiện nay?
Những vấn đề này sẽ được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị".
An Nhiên