Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng, giúp doanh nghiệp đa dạng hình thức huy động vốn, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22.185 tỷ đồng (chiếm 80,1% tổng giá trị phát hành) và 8 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.509 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 51% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn như tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều. Theo các chuyên gia kinh tế, cần có sự quan tâm đúng mức hơn nữa từ các cơ quan quản lý để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Cao cấp Tư vấn và Kinh doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securites - TCBS), khuyên nhà đầu tư cần xem xét thương hiệu doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp của tổ chức phát hành. Theo quy định, doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến tay nhà đầu tư. Mọi trái phiếu đều phải có một công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành và doanh nghiệp phải lựa chọn một trong 3 phương thức phát hành, đấu thầu hoặc bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành thông qua một tổ chức có giấy phép thực hiện nghiệp vụ này. Nhà đầu tư nên lựa chọn mua trái phiếu của những thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu, thông qua các tổ chức tài chính đầu ngành đã có lịch sử phát triển bền vững.
Thứ hai, bà Hà khuyến nghị nhà đầu tư nên cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro: Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành uy tín. Nhà đầu tư có thể bỏ qua những trái phiếu được chào lãi suất cao, nhưng tổ chức chào bán không cung cấp thông tin trái phiếu đầy đủ.
Tuệ An