Ông Euan Graham. |
Ông Euan Graham từ Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trả lời phỏng vấn của VnExpress về chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội và những diễn biến gần đây ở Biển Đông.
- Ông bình luận như thế nào về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm qua?
- Tôi không ngạc nhiên về việc cả hai bên đều giữ quan điểm của mình. Rõ ràng chuyến thăm của ông Dương không mang lại tiến triển đáng kể nào cho tình hình ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn tỏ ra kiên quyết khi nói về hoạt động của giàn khoan 981 và yêu sách với Hoàng Sa.
Dường như Trung Quốc đang cố gắng lấy điểm trong mắt cộng đồng quốc tế sau khi hạ đặt giàn khoan. Chuyến thăm của ông Dương có thể chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn cam kết đối thoại với Việt Nam ở một số cấp độ. Nhưng thực tế là hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Tôi cho rằng quan hệ hai nước vẫn căng thẳng vì Trung Quốc không lùi bước ở Hoàng Sa. Việt Nam, đã nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc suốt từ 2012, cũng không thể nhượng bộ.
- Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện mà Philippines khởi xướng tại tòa án trọng tài quốc tế, nhưng lại gửi văn bản lên Liên Hợp Quốc để nói về việc họ đặt giàn khoan ở gần Hoàng Sa. Theo ông thì tại sao họ làm như vậy?
- Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang tham gia một chiến dịch thuyết phục quốc tế về tuyên bố của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên tôi không nghĩ Liên Hợp Quốc có thể đứng ra làm trung gian hòa giải vì Trung Quốc đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Công ước về Luật biển năm 1982 đem lại cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, nhưng Trung Quốc không bị buộc thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết và họ cũng đã từ chối tham gia. Trung Quốc có thể muốn tiếp tục cách tiếp cận song phương vì cơ chế đó có lợi hơn cho việc thể hiện sức mạnh của họ. Điều đó giải thích một phần cho chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì hôm qua.
- Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào giữa tháng 8 như họ công bố? Sau đó sẽ là gì?
- Trung Quốc không đề cập tới hạn chót hoạt động của giàn khoan. Điều đó mở ra khả năng rằng Trung Quốc sẽ duy trì giàn khoan nếu họ tìm thấy dầu khí. Tuy nhiên tôi tin giàn khoan 981 ở đó chủ yếu vì lý do chính trị hơn là lý do thương mại.
CNOOC có thể muốn rời giàn khoan này tới vị trí thuận lợi, gần với cơ sở hạ tầng ở duyên hải của Trung Quốc hơn. Nhưng giàn khoan không chỉ là tài sản thương mại. Với chính phủ Trung Quốc, nó là tài sản di động của nhà nước.
- Tại Trường Sa, Trung Quốc được cho là đang thực hiện một loạt hành động mang tính thay đổi hiện trạng và dự kiến có thể xây dựng đường băng, căn cứ quân sự….Việc này có hệ quả gì?
- Việc khai hoang và xây dựng của Trung Quốc đại lục và Đài Loan là một chỉ dấu nghiêm trọng về lâu dài với Biển Đông, nghiêm trọng hơn cả việc đặt giàn khoan dầu.
Hành động này rõ ràng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mà Trung Quốc đã ký với ASEAN. Nó cũng khiến triển vọng hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử (COC) trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc có vẻ như đang vội vàng đẩy mạnh quyền kiểm soát có hạn của họ tại Trường Sa trước khi vụ kiện của Philippines được tòa án trọng tài phân xử.
Bằng cách xây dựng đường băng trên một hoặc nhiều thực thể mà họ chiếm giữ, Trung Quốc sẽ có độ phủ tốt hơn trên không ở Biển Đông, nhờ đó thuận tiện hơn trong việc tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở đây trong tương lai.
- Nhìn vào căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, ông thấy những điểm yếu nào trong lập luận của Trung Quốc?
- Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới, khi những hành động gần đây của họ thể hiện, theo đúng nghĩa đen, hình ảnh của một kẻ bắt nạt.
Trung Quốc dường như đã chuẩn bị trước để chấp nhận điều này, coi đó là cái giá về chính trị để trả cho hai điều. Một, về dài hạn, là chuẩn bị cho các mục tiêu của họ bên trong đường chín đoạn. Hai, về ngắn hạn, là thực hiện nhu cầu củng cố các vị trí ở khu vực đó trước khi tòa án trọng tài xử lý vụ kiện của Philippines, và tranh thủ lúc Mỹ đang bận tâm tới các cuộc khủng hoảng khác.
Cần lưu ý rằng trong tài liệu gửi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có kèm cả một bản đồ các hoạt động thương mại của Công ty dầu khi Hải Dương cùng giàn khoan 981. Như vậy rõ ràng yêu sách chủ quyền của họ không chỉ với Hoàng Sa mà toàn bộ phần bên trong đường 9 đoạn.
Việt Anh (thực hiện)