Bên chiếc bàn bar xếp đầy chai rượu, các bartender (người pha chế) giống như một nghệ sĩ xiếc, tung bình shaker (bình lắc pha chế) và biểu diễn với lửa. Mỗi khi họ tung bình hay chai thủy tinh và bắt chính xác, nhiều người lại ồ lên tán thưởng.
Theo anh Nguyễn Duy Khánh, 38 tuổi, khoảng 2-3 năm qua, nghề bartender được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì cho đây là công việc vui vẻ, sôi động. Bên quầy bar, người pha chế không chỉ kể chuyện qua đồ uống mà còn lắng nghe, chia sẻ với khách hàng.
"Bartender giống như thợ may, giúp kết nối cuộc sống", anh Khánh nói.
Có mặt tại sự kiện về pha chế của Cao đẳng FPT Polytechnic cuối tuần trước, anh Khánh và các chuyên gia đã chia sẻ về con đường đến với nghề và mức lương, cũng như các yêu cầu với một bartender.
Trong giới pha chế, anh Khánh được gọi là "phù thủy" bởi khả năng sáng tạo và trình diễn những động tác, kỹ thuật khó. Cách đây 20 năm, chàng trai Yên Bái được gia đình đưa xuống Hà Nội học nghề một người họ hàng. Chưa biết gì về bartender nên suốt nửa tháng đầu, anh Khánh chỉ được giao rửa cốc.
Công việc đầu tiên này giúp anh học được tính kiên trì, cẩn thận, và sắp xếp sao cho gọn gàng, nhanh, khoa học. Sau đó, anh được dạy cách chọn hoa quả rồi phụ cho người pha chế chính. Dần dần, anh Khánh làm quen với các đồ uống đơn giản như nước cam, chanh, sinh tố bơ, trước khi trở thành một bartender thực thụ.
Anh Khánh kể khi mạng xã hội chưa phát triển, cách học duy nhất là qua truyền miệng. Cứ ba tháng một lần, anh lại chuyển chỗ làm. Cứ nơi nào có bartender giỏi, anh xin vào để được trải nghiệm và học kỹ thuật mới. Không có tiền mua dụng cụ và nguyên liệu tập ở nhà, anh Khánh chủ yếu thực hành tại chỗ làm.
Ngoài ra, anh đi nhiều nơi, đến những vùng nguyên liệu tìm hiểu về cây chè, cà phê hay cách người dân địa phương làm đồ uống, để tích lũy kiến thức và thêm ý tưởng.
Anh Lê Đức Hậu, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Bartender Hà Nội, cũng cho rằng việc quan sát, rèn luyện và sáng tạo là những đức tính cần thiết của một người pha chế.
Trong biểu diễn pha chế bartender, múa lửa, thổi lửa là kỹ thuật khó và đẳng cấp nhất, đòi hỏi tính kiên trì. Anh Hậu tập với các chai nhựa trước, rồi chuyển sang thủy tinh trong phòng, ngoài công viên và bãi cát.
Chuyên gia pha chế Kata Simon, quản lý quầy bar của khách sạn Melia Hà Nội, cho biết thành công với nghề nhờ đam mê, sự tò mò.
Bartender người Hungagry làm trong một quán bar nhỏ từ năm 17 tuổi. Cô sau đó tới thành phố Budapest học một trường chuyên đào tạo bartender và làm việc trong các quầy bar, khách sạn 5 sao. Kata từng giành nhiều giải pha chế trên thế giới như The Elephant Gin Competition 2016, Negroni 2019..., là giám khảo hàng loạt cuộc thi và sáng lập trường dạy nghề này.
"Thiếu đam mê, bạn sẽ không đủ năng lượng để theo nghề này", cô nhìn nhận.
Kata cho hay để phát triển, kiến thức là điều quan trọng nhất. Khi có sự hiểu biết về các loại gia vị, hoa quả, rượu, người pha chế sẽ biết cách kết hợp với nhau để tạo ra một ly cocktail khác biệt.
Theo các chuyên gia, người làm nghề pha chế có nhiều cơ hội việc làm, như ở các quán bar, khách sạn, nhà hàng... Họ có thể bắt đầu từ vị trí rửa cốc, phụ việc, pha chế chính rồi quản lý, tùy vị trí mà nhận lương từ 7 đến 20 triệu đồng/tháng.
Anh Khánh cho hay khi mới vào nghề, bartender hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, thay vì quá quan tâm tới thu nhập. Mức lương sẽ tăng dần theo vị trí và tay nghề.
Tuy nhiên, công việc này cũng có những rủi ro như bị mảnh chai vỡ cứa vào tay hay bị bỏng vì lửa tạt vào mặt. Ngoài ra, người pha chê đối mặt với cám dỗ chất kích thích, rượu mạnh, đòi hỏi phải có bản lĩnh, theo anh Hậu.
"Điều quan trọng là bạn phải vượt qua được cám dỗ này để làm nghề", anh nói.
Nghề pha chế hiện được đào tạo ở bậc cao đẳng hay các trường trung cấp và sơ cấp nghề, thuộc ngành Quản trị khách sạn.
Thông thường, học viên được hướng dẫn tìm hiểu về các dòng rượu, nguyên liệu thảo mộc, hương vị, cách bảo quản đồ uống... Song song đó, họ thực hành các công thức pha chế cơ bản.
Học phí hệ cao đẳng hiện khoảng 10-20 triệu đồng một học kỳ. Ngoài ra, nhiều trường nghề, trung tâm mở chương trình ngắn hạn 3-9 tháng, học phí chừng 8-10 triệu đồng một khóa.
Bình Minh