Ước tính thiệt hại trên được ông Nguyễn Huy Dũng, chuyên gia cao cấp về rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới, đưa ra tại hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, chiều 21/10.
Theo ông Dũng, diện tích ngập do mưa hiện của TP Thủ Đức là 31% và tăng lên 37% vào 2050. Dự báo trong trường hợp xảy ra lũ 1% (lũ 100 năm đến một lần) thì tổng thiệt hại do ngập của TP Thủ Đức hiện ở mức 382 triệu USD và tăng lên 521 triệu USD vào 2050. Còn thiệt hại trung bình mỗi năm của thành phố do ngập nước tăng từ 53 triệu USD (hiện tại) lên 84 triệu USD (2050).
Năm 2021, thu ngân sách của TP Thủ Đức là 10.350 tỷ đồng, tương đương hơn 416 triệu USD. Như vậy, mức thiệt hại 54 triệu USD mỗi năm bằng khoảng 13% thu ngân sách thành phố. Còn nếu xảy ra lũ 1%, mức thiệt hại 382 triệu USD, khoảng 92% thu ngân sách thành phố.
Giải thích thêm với VnExpress, ông Dũng cho biết số thiệt hại này được tính toán dựa trên hai yếu tố: nước (gồm lũ ngoài sông, triều, mưa) và cơ sở hạ tầng (điện, đường, giao thông). Tuy nhiên, các con số nêu trên mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, tức các mất mát về cơ sở hạ tầng, mà chưa bao gồm tổn thất gián tiếp do ảnh hưởng các hoạt động kinh tế, dân sinh.
"Thường thiệt hại gián tiếp gấp 3-4 lần tổn thất trực tiếp, thậm chí gấp hàng trăm lần", ông Dũng nói, ví dụ năm 2003, thành phố New York từng xảy ra trận bão gây thiệt hại 30 tỷ USD, phần lớn đến từ thị trường chứng khoán và các hoạt động tài chính, kinh tế. Như vậy, nếu tính cả tổn thất gián tiếp, mất mát do ngập của TP Thủ Đức còn nhiều hơn ước tính trên.
Theo ông Dũng, giải pháp cho TP Thủ Đức cần quy hoạch dựa trên nguyên tắc "lấy nước làm trung tâm". Nơi đây được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nên cần tận dụng tối đa lợi thế tiêu thoát nước sát sông và nhiều kênh rạch. Đây cũng là cơ hội để thành phố tạo ra cảnh quan sống tốt hơn, mang tính bền vững với nhiều không gian xanh, thu hút người dân tới sinh sống, làm việc.
Cụ thể hơn, ông kiến nghị TP Thủ Đức cần làm chậm lũ và giảm thiểu dòng chảy từ phía bắc xuống phía nam - thượng lưu về hạ lưu - bằng giải pháp tăng khả năng thấm nước và trữ nước ở thượng nguồn. Như vậy, nước không đổ hết xuống làm tăng áp lực thoát nước và gây ngập cho hạ lưu.
Chuyên gia cũng cho rằng TP HCM không nhất thiết phải xây đê bao kín toàn thành phố mà có thể đê bao một phần, còn lại để phát triển tự nhiên nhằm tăng môi trường sống và giảm lũ. Riêng khu vực tây bắc và đông nam tương lai sẽ thiệt hại nhiều hơn vì ngập nên cần điều chỉnh mật độ xây dựng qua kế hoạch sử dụng đất, bố trí hạ tầng phù hợp đặc thù của vùng có tính tổn thương cao.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn quốc tế enCity - đơn vị lập đồ án quy hoạch chung cho TP Thủ Đức, đề xuất chiến lược thích ứng với ngập cho TP Thủ Đức dựa trên nguyên lý phân cấp 4 vùng – nguy cơ ngập cao, vừa, thấp và không ngập, cùng 3 lớp kiểm soát ngập - gồm lớp bảo vệ, lớp thích ứng với tác động biến đổi khí hậu và lớp giảm thiểu thiệt hại gây ngập cực đoan.
Cụ thể, thành phố xây các hành lang kiểm soát triều nhằm tạo không gian kết hợp nhiều giải pháp công trình ngăn ngập và mặn, trong đó xây dựng các cống ngăn triều tại cửa kênh rạch để khép kín hành lang phòng lũ. Hồ điều tiết là giải pháp được đề xuất để trữ dòng chảy tràn gây ngập do mưa khi hệ thống tiêu thoát nước không thể hoạt động nếu nước sông dâng cao.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết khả năng quy hoạch chung của TP Thủ Đức được phê duyệt trước quy hoạch chung TP HCM. Do đó, TP Thủ Đức, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu góp ý của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia và phải đảm bảo thống nhất với quy hoạch chung của TP HCM. Các nhà quy hoạch cần ưu tiên tính khả thi của đề án để tạo giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Dự kiến, đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức được trình UBND TP HCM trong tháng 11, sau đó Bộ Xây dựng phê duyệt, trình Thủ tướng trong tháng 12 năm nay. Dựa trên quy hoạch này, TP Thủ Đức sẽ có khung phát triển cụ thể từng khu vực đến năm 2040.
Thu Hằng