Trận thua Syria 0-1 ở lượt cuối vòng loại, khiến Việt Nam xếp nhì bảng A với chín điểm cùng hiệu số +10. Tuy nhiên, VCK chỉ lấy năm đội nhì thành tích tốt nhất từ 10 bảng. Do có bảng bốn đội, các đội nhì ở bảng năm phải bỏ đi kết quả với đội xếp cuối. Việt Nam trừ đi kết quả thắng Bhutan 5-0, dẫn đến còn sáu điểm và hiệu số +5.
Trên bảng thứ bậc các đội nhì, Việt Nam đứng thứ sáu, bằng hai đội xếp trên, nhưng Thái Lan và Jordan lần lượt có hiệu số +17 và +8. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Việt Nam không được dự VCK U20 châu Á, sau sáu kỳ liên tiếp 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 và 2023. Trước đó, đội từng dự VCK năm 2002, 2004 và 2006. Thành tích tốt nhất là vào bán kết 2016, qua đó giành vé dự FIFA U20 World Cup 2017, còn lại đội dừng bước ở vòng bảng.
"Quân thua tại tướng", chuyên gia Đoàn Minh Xương nói với VnExpress. "Lứa này có người hay nhưng mạnh ai nấy đá nên kém hiệu quả. Khi Syria phòng ngự thì không biết làm gì nữa".
Thực tế, Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế chủ nhà bảng A. Đội có lịch thi đấu thuận lợi khi gặp các đội yếu trước, lần lượt thắng Bhutan 5-0, Guam 3-0 và Bangladesh 4-1. Diễn biến các bảng khác dẫn đến Việt Nam chỉ cần hoà Syria là chắc suất đi tiếp, nhưng bất thành, thậm chí tự thua với bàn phản lưới của Ngọc Chiến.
Theo ông Xương, việc đánh mất lợi thế hoàn toàn do tính toán không tốt của ban huấn luyện. Sau thất bại 0-1 trước Syria, HLV Hứa Hiền Vinh cũng nhận toàn bộ trách nhiệm, khi nắm quyền tự quyết trong tay mà để tuột vì sơ suất cá nhân.
Ngoài ra, khi xem các trận đấu, chuyên gia Đoàn Minh Xương cảm thấy các cầu thủ trẻ có phần tự mãn, khi thắng các đội nhỏ như Bhutan, Guam, Bangladesh nhưng gặp Syria thì đóng băng. "Các cầu thủ trẻ cần được giáo dục, định hướng để luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, thay vì tập trung vào thể hiện cá nhân", ông nói.
HLV Phan Thanh Hùng gắn bó với đội U20 với tư cách cố vấn. Ông cho rằng, lứa hiện tại có tố chất tốt nhưng quá trình chuẩn bị trước giải không suôn sẻ. Đội được đi tập huấn tại Nhật Bản cuối tháng 8, nhưng bão Shanshan làm ảnh hưởng giai đoạn cuối, dẫn đến mất trận đấu tập. Đến khi về nước, hai trận đấu tập với U20 Nga đều bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, trong đó một trận phải huỷ bỏ. Sau đó, các cầu thủ đã không vượt qua được thách thức thi đấu bốn trận trong bảy ngày, từ 23/9 đến 29/9, tại vòng loại U20.
Một chi tiết khác ít được chú ý là việc một số cầu thủ quan trọng không thể tập trung sớm do đã được đôn lên đá V-League, gồm Nguyễn Công Phương (Thể Công) và Lê Đình Long Vũ (SLNA). Cả hai hội quân vào ngày 22/9, trước trận mở màn của đội một ngày. "CLB có quyền giữ người nếu không thuộc FIFA days", ông Hùng nói. "Các đội trẻ Việt Nam sẽ phải thích nghi với thời kỳ mới, khi những người giỏi nhất sẽ có ít, thậm chí không có thời gian hoà nhập".
HLV Phan Thanh Hùng cũng thừa nhận lứa U20 hiện tại không có cá nhân nổi bật hẳn lên. Cùng tầm tuổi 19, nhiều cầu thủ lứa Quang Hải, Công Phượng đã có thể chen chân và thi đấu nhiều tại V-League. "Bóng đá trẻ cũng có tính chu kỳ đi lên rồi xuống, chỉ có thể cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa đỉnh và đáy", cựu HLV tuyển Việt Nam cho biết. "Việc không được dự VCK U20 châu Á sau nhiều năm là cú sảy chân, để nhìn lại và tiếp tục nỗ lực hơn duy trì vị thế".
Trước vòng loại U20 châu Á 2025, lứa này được dẫn dắt bởi HLV Hứa Hiền Vinh cũng dừng bước ở vòng bảng U19 Đông Nam Á 2024. Khi ấy, đội đứng nhì sau Australia ở vòng bảng, trong khi giải chỉ lấy một đội nhì thành tích tốt nhất – thuộc về Thái Lan.
Theo ông Hùng, lứa U17 và U19 hiện tại vẫn sẽ nhận được nhiều kỳ vọng và đầu tư. Bên cạnh đó, cần nhìn tổng thể thay vì nhìn một giải đấu để đánh giá bóng đá trẻ Việt Nam đi xuống. Trong năm kỳ U19 gần nhất, Việt Nam bốn lần dừng bước ở vòng bảng năm 2017, 2018, 2019 và 2024, còn năm 2022 đứng thứ ba. Chính lứa cầu thủ thất bại năm 2017, 2018, 2019 đã vô địch SEA Games 2022, rồi vào tứ kết U23 châu Á 2022, 2024.
Dù vậy, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh thất bại vừa qua là cần thiết "để các nhà làm bóng đá Việt Nam tỉnh ngộ". Theo ông, nền bóng đá chưa hình thành được triết lý xuyên suốt ở tuyến trẻ. HLV Hứa Hiền Vinh dùng sơ đồ 4-2-3-1, nhưng người tiền nhiệm Hoàng Anh Tuấn lại là 3-4-3. Khi tiếp xúc nhiều trường phái, cầu thủ sẽ khó định hình phong cách để phát triển đội tuyển.
Ông Xương cho biết: "Lứa U17, U19 hiện tại sẽ là nòng cốt cho vòng loại World Cup 2034. Nhưng LĐBĐ Việt Nam (VFF) cần một giám đốc đào tạo trẻ kết hợp với giám đốc kỹ thuật, để làm việc cùng các CLB, các trung tâm nhằm phát triển dài hạn và hình thành triết lý. Lứa Công Phượng, Quang Hải trước đây hội tụ đủ yếu tố nên gặt hái thành công".
Đức Đồng - Trung Thu