Tọa đàm do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia. Những tiến bộ mới trong quản lý bệnh thận mạn trong suốt 20 năm được đưa ra thảo luận. Các thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố trên thế giới về kiểm soát bệnh thận mạn cũng đã được các chuyên gia đưa ra phân tích và đánh giá chi tiết, trong đó có nhóm thuốc ức chế SGLT-2i.
Các chuyên gia nhìn nhận rằng, sau 20 năm, các nghiên cứu như nghiên cứu DAPA-CKD (một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc Dapagliflozin thuộc nhóm thuốc này trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đến từ các quốc gia khác nhau trong đó có cả bệnh nhân Việt Nam) đã mở ra hướng đi mới trong việc quản lý bệnh thận mạn từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm. Hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường việc chẩn đoán bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm bằng các xét nghiệm có độ phát hiện cao cũng đã được đưa ra phân tích tại buổi tọa đàm, trong đó cũng có kiến nghị xem xét triển khai những giải pháp này từ các tuyến y tế cơ sở để có thể phát hiện và can thiệp bệnh sớm hơn.
Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 8.000 người mắc bệnh thận mạn. Tuy nhiên phần lớn bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm. Đáng lưu ý, chi phí cho quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận đặc biệt tăng cao. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hà Phan Hải An, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho biết, việc xác định các đối tượng nguy cơ, chủ động tầm soát để phát hiện sớm và có chiến lược quản lý́ phù hợp rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của bệnh nhân và gia đình với các bác sĩ tuyến cơ sở cũng như các chuyên khoa Tim mạch - Thận - Nội tiết. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ điều trị tốt.
Bên cạnh việc thăm khám định kỳ, người dân cần chủ động giảm gánh nặng cho thận thông qua việc giảm tiêu thụ thức ăn giàu natri và protein, đặc biệt là protein động vật, ngừng hút thuốc lá, hạn chế hoặc ngừng tiêu thụ cồn, đồng thời tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể trong khoảng bình thường.
Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ tới các bệnh như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,... Do đó, các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan cần phòng ngừa để hạn chế các tác động đến thận như duy trì áp lực máu và đường huyết trong khoảng giới hạn bình thường, tuân thủ kế hoạch ăn uống và phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Bệnh thận mạn không chỉ gây gánh nặng kinh tế và giảm đáng kể chất lượng sống của bệnh nhân, mà còn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Sau 20 năm, một tiến bộ mới trong điều trị bệnh thận mạn sẽ góp phần đem lại hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân, giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và hệ thống y tế.
Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận. Đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Một số người bệnh cũng có thể chọn chăm sóc bảo tồn để kiểm soát các triệu chứng, nhằm mục đích đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể trong thời gian còn lại hoặc trong giai đoạn chờ lọc máu hay ghép thận.
Yên Chi