Hai vấn đề lớn được các chuyên gia tâm lý, y khoa đặt ra là AI có thể phân tích và xử lý dữ liệu tâm lý con người ở mức độ nào? Và việc AI điều tra trạng thái tâm lý và mô phỏng cảm xúc, thấu hiểu tâm lý liệu có vi phạm đạo đức?
Giáo sư Jodi Halpern, chuyên gia y khoa tại Đại học California (Mỹ), cho biết việc huấn luyện AI để tạo ra kết nối cảm xúc, dạy máy móc đồng cảm và bắt chước phản ứng tâm lý của con người có thể bị xem là thao túng tinh thần. Bà cũng băn khoăn liệu AI có thể thay thế hoàn toàn bác sĩ tâm lý trong tương lai.
Trong bối cảnh ngành y tế phương Tây gặp khó khăn về nhân lực và chất lượng điều trị, chatbot tâm lý trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn. Chúng có thể hoạt động 24/7, giúp những người mắc chứng trầm cảm, lo âu xoa dịu cảm xúc khi không thể tìm thấy sự hỗ trợ kịp thời.
Wysa là một trong những chatbot tâm lý nổi tiếng, được hệ thống y tế cộng đồng Anh đánh giá cao nhờ áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) - phương pháp phổ biến trong điều trị tâm lý. Theo John Tench, giám đốc công ty phát triển Wysa, ứng dụng này được đào tạo bài bản để hỗ trợ người dùng tìm phương hướng trị liệu phù hợp.
Một chatbot khác là Pi, do công ty Inflection AI (Mỹ) phát triển, thu hút người dùng nhờ cách tiếp cận thân thiện. Pi có một số điểm tương đồng với các dịch vụ "bạn ảo" gây tranh cãi như Replika và Character.ai, khi sử dụng mô hình ngôn ngữ tiên tiến để tạo ra các cuộc trò chuyện tự nhiên.

Nhiều người sử dụng AI để điều trị tâm lý nhưng vẫn chưa xác định tính hiệu quả. Ảnh minh họa: Feepik
Tuy nhiên, giáo sư Halpern nhấn mạnh dù thể hiện theo hướng chuyên nghiệp hay như một người bạn đồng hành, AI không thể thay thế bác sĩ tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp.
Một số công ty như Pi và Replika né tránh trách nhiệm bằng cách tuyên bố họ không cung cấp dịch vụ y tế. Dù vậy, quảng cáo của các nền tảng này vẫn nhắm đến những người có vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Đầu năm 2025, MIT Media Lab khảo sát 4.000 người trò chuyện với ChatGPT qua văn bản và giọng nói trong bốn tuần. Kết quả cho thấy, nhóm sử dụng chatbot quá mức có xu hướng cảm thấy cô đơn hơn. Những người dành thời gian tương tác dài hơn thường có cảm giác phụ thuộc, ít tham gia các hoạt động xã hội. Nghịch lý là, chế độ giọng nói của chatbot có thể giúp người dùng bớt cô đơn, nhưng nếu họ đã cô đơn từ trước, AI có thể khiến tình trạng này trầm trọng hơn.
Giới chuyên gia cũng lo ngại về xu hướng sử dụng chatbot như một hình thức tư vấn tâm lý thay thế con người. Tuy nhiên, với hàng triệu người không đủ điều kiện tiếp cận bác sĩ tâm lý, AI vẫn trở thành lựa chọn tạm thời.
Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Bélisle-Pipon tại Đại học Simon Fraser (Canada) cảnh báo: "Làm theo lời khuyên không hợp lý từ AI có thể khiến tình trạng tâm lý xấu đi". Nhưng ông cũng thừa nhận, khi chưa có giải pháp công bằng và tiện lợi hơn, AI vẫn là một lựa chọn để giảm tải áp lực cho ngành y tế.
Minh Phương (Theo EL Pais, Insider)