"Tại thời điểm máy bay chuẩn bị hạ cánh, trong khu vực xuất hiện một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp gọi là 'luồng khí quyển hẹp' (streaming flow) khiến vận tốc gió lên tới 100 km/h hay 30 m/giây", Sputnik dẫn lời ông Evgeny Tishkovets, chuyên gia khí tượng thuộc trung tâm dự báo thời tiết Fobos, cho hay.
Theo Tishkovets, hiện tượng "luồng khí quyển hẹp" thường xảy ra ở độ cao khoảng 5 km nhưng tại Rostov-on-Don, nó diễn ra ở độ cao chỉ vài trăm mét.
"'Luồng khí quyển hẹp có thể được nhìn thấy ở độ cao từ 629 m tới gần 10 km", ông nói. "Nhìn chung, các máy bay thường tránh hiện tượng này, ngoại trừ tình huống phi cơ lợi dụng sức gió để tiết kiệm nhiên liệu ở độ cao 9 km".
Ông đánh giá việc chờ điều kiện thời tiết cải thiện vào lúc đó là vô ích bởi dự báo cho thấy thời tiết sẽ tiếp tục xấu, trong khi cố gắng hạ cánh trong hoàn cảnh ấy lại vô cùng nguy hiểm.
Tishkovets cho biết phi cơ chỉ có thể cất hoặc hạ cánh ở một vận tốc gió nhất định. Ví dụ, máy bay Tu-154 hay một số mẫu máy bay Ilyushin của Nga chỉ được phép hạ cánh khi tốc độ gió vào khoảng từ 10 đến 17 m/giây. Trong trường hợp của chiếc phi cơ thuộc hãng hàng không FlyDubai, nó dường như hạ cánh khi tốc độ gió vượt mức cho phép.
Chiếc máy bay mang số hiệu FZ981 của FlyDubai hôm qua rơi và vỡ vụn thành nhiều mảnh tại thành phố Rostov-on-Don của Nga khi đang trong quá trình tiếp cận với đường băng để hạ cánh. Toàn bộ 62 hành khách và thành viên tổ bay đều thiệt mạng.
Theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, máy bay FlyDubai đã cố hạ cánh một lần nhưng không thành công. Phi cơ sau đó bay lòng vòng trên không trong hai giờ để chờ điều kiện thời tiết cải thiện. Vào lần thử hạ cánh thứ hai, một cánh máy bay đập xuống mặt đất, phi cơ vỡ tung và bốc cháy.
Vũ Hoàng