Đọc bảng điện- điều cơ bản nhất của một nhà đầu tư khi tham gia thị trường nhưng thực chất không dễ dàng. Chưa kể những khó khăn trong việc đánh giá thông tin nào sẽ hỗ trợ hay cảnh báo về giá cổ phiếu tăng giá.
Quan sát "trận đánh" cung - cầu từ bảng điện
"Nhìn bảng giá như đứng trên núi, quan sát trận đánh của các đoàn quân cung cầu trên khắp các mặt trận và từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp"- bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh SSI chia sẻ góc nhìn thú vị vềcách đọc bảng điện chứng khoán.
Tại hội thảo, bà Dung đưa ví dụ cụ thể, đi vào phiên giao dịch chiều cùng ngày với áp lực bán liên tục gia tăng từ 13h30 khiến chỉ số VN30 giảm mạnh hơn Vnindex. Sau 14h20 lực cầu quay lại đẩy thị trường tăng trở lại, từ mức giảm hơn 25 điểm chỉ còn giảm 1 điểm. "Quan sát bảng điện cho thấy tổng số lượng cổ phiếu tăng là 187 nhỏ hơn số lượng cổ phiếu giảm là 242, nhưng đây không phải là mức đáng cảnh báo", bà Dung nói.
Theo đại diện SSI, phiên cảnh báo sẽ xuất hiện khi lượng cổ phiếu giảm mạnh gấp đôi lượng cổ phiếu tăng, nhiều cổ phiếu nằm sàn và khối lượng khớp lệnh lớn. Còn với phiên 20/10 vừa qua, mức biến động của phiên đã được dự báo từ trước, khi thứ 5 là phiên đáo hạn phái sinh. "Diễn biến này cũng cho thấy, thị trường vẫn sẽ đi ngang, có biến động nhưng cơ bản là tích cực trong thời gian tới", bà Dung khẳng định.
Mỗi con số "nhảy nhót" trên bảng điện đều mang theo ý nghĩa. Việc của người đọc bảng điện là hiểu và phân tích. Các bên mua, bên bán trên bảng điện như đoàn quân xếp hàng dài, chờ đợi lẫn nhau. Bà Dung lưu ý nhà đầu tư cần so sánh nhanh tổng lượng chờ mua ở 3 mức gần nhất so với tổng lượng chờ bán ở 3 mức giá gần nhất. Trường hợp tổng lượng chờ bán lớn hơn 70-80% tổng lượng chờ mua thì khi đó nên quan sát thêm phần tiếp theo để nhìn thấy những bước giá nào đang được khớp với khối lượng sát với giá mà mình muốn mua nhất, từ đó đưa ra quyết định chờ mua hoặc mua khớp luôn.
Bên cạnh đó, nhìn trên bảng điện, có thể nhìn thấy vi mô của cổ phiếu để quyết định mua bán, phân bổ cổ phiếu theo từng nhóm ngành vì nhìn nhận trong phiên có thể biết dòng tiền đang vào nhóm ngành nào.
Theo kinh nghiệm của bà Dung, nếu trong một phiên, đồng loạt các cổ phiếu cùng một nhóm ngành tăng điểm và tỷ lệ tăng điểm 1-3%, quan sát trên khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh so với trung bình 10 phiên thì dòng tiền đang vào nhóm ngành đó. Quan sát này giúp phát hiện dòng tiền đang vào nhóm nào. Nếu khớp với chiến lược đầu tháng, quý, năm rằng đó là những ngành hưởng lợi trong năm nay thì nhà đầu tư có quyết định mua phù hợp.
Nhà đầu tư có thể tìm kiếm nhanh công cụ hỗ trợ này ở các bảng giá như SSI iBoard để phân tích diễn biến giá cổ phiếu.
Lọc tìm thông tin giúp cổ phiếu tăng giá
Giữa biển thông tin, chuyên gia SSI đưa ra lời khuyên có thể chia ra 2 nhóm thông tin vĩ mô và thông tin vi mô để tìm hiểu và phân tích.
Nhà đầu tư có thể đọc thông tin ở các trang web như tradingview, investing... về thị trường chứng khoán Mỹ, hay các chỉ số chứng khoán của châu Âu, châu Á. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến giá cả hàng hoá thế giới, như giá vàng - thường có biến động nghịch với thị trường chứng khoán hoặc quan sát thêm chỉ số USD index. Nếu đồng USD tăng giá mạnh sẽ tạo sức ép lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt các quốc gia nhập khẩu với chủ đạo là đồng USD, hoặc các quốc gia tài trợ khoản nợ bằng đồng USD... qua đó tác động đến thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị quan sát hàng hoá như giá dầu brent, than, khí, hay giá thép... Hiện giá dầu là 84-85USD một thùng là ngưỡng phù hợp, đủ để các doanh nghiệp ngành dầu khí Việt Nam kích hoạt lại, góp phần tăng trưởng giá cổ phiếu GAS, PVD, BSR thời gian qua.
Với thông tin vĩ mô trong nước, mỗi giai đoạn Chính phủ đều có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế. Như giai đoạn dịch bệnh Covid trong 2 năm nay thì thúc đẩy đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ cho các ngành hưởng lợi từ đầu tư công thu hút dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán.
Tất cả các chính sách này đều được cập nhật trong báo cáo chiến lược mỗi quý, tháng, năm của SSI Research. Nhà đầu tư cũng có thể tìm thấy nhiều thông tin ngay trên bảng giá SSI iBoard.
Với phần định giá, thông qua bảng giá SSI iBoard có thể đọc các chỉ số P/E bình quân 10 năm qua khoảng 15-16 lần, cộng thêm độ lệch chuẩn khoảng 17, 4 lần - cho thấy định giá thị trường còn hấp dẫn trong thời gian tới, đặc biệt là sự hồi phục mạnh giai đoạn bình thường mới. Hay với riêng từng cổ phiếu đang có P/E, P/B bao nhiêu, các thông số tài chính cũng nên so sánh hàng quý, năm, so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành... để có quyết định phù hợp.
Thông tin đáng lưu ý khác là cơ cấu sở hữu của ban lãnh đạo, cổ đông lớn tổ chức và động thái mua vào, bán ra của họ; hoặc các quyết định mua cổ phiếu quỹ cũng có tác động tích cực. Bà Thu Dung lấy ví dụ, từ tháng 4 đến tháng 7/2020, nhiều doanh nghiệp quyết đinh mua cổ phiếu quỹ - phát ra tín hiệu "Covid là biến động ngắn hạn, tương lai doanh nghiệp còn tiềm năng". Đây cũng là lượng tiền lớn giúp thị trường tăng trưởng thời gian đó. "Thống kê cho thấy, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, đến ngày 15/10/2021, thị giá hầu hết đều tăng rất tốt 30-50%. Bản chất việc mua cổ phiếu quỹ là làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, qua đó EPS cao hơn, đẩy giá cổ phiếu tốt hơn", bà Dung nói.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể lựa chọn các môi giới tư vấn để chia sẻ thêm thông tin, góc nhìn, đồng thời đọc các báo cáo của các công ty chứng khoán - có thể cùng 1 phương pháp định giá nhưng lại cho ra các kết quả khác nhau. Thông thường, giá cổ phiếu trên thị trường có thể tăng hoặc giảm 20% so với mức định giá. Bởi thị trường chứng khoán là thị trường của tâm lý, nếu tâm lý hưng phấn thì làm lực cầu mạnh hơn, giá cổ phiếu có thể cao hơn định giá.
Sau cùng, nhà đầu tư có thể vận dụng phân tích kỹ thuật để tìm điểm mua, bán phù hợp. Đây cũng là chủ đề được chia sẻ trong chương trình NDH eConference số thứ 3, diễn ra vào 15h ngày 27/10. Nhà đầu tư có thể đăng ký tham gia chương trình tại đây để cùng các chuyên gia SSI tiếp tục "Giải mã phân tích kỹ thuật".
Tuệ Minh