O'Connor là bác sĩ chăm sóc chính sức khỏe của Biden kể từ năm 2009, khi ông còn là Phó tổng thống trong giai đoạn đầu của chính quyền Obama. Trước đó, O'Connor từng là bác sĩ Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George Bush, kể từ năm 2006 đến năm 2009.
Giống với những người tiền nhiệm, bác sĩ O'Connor có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của Tổng thống, tiến hành phẫu thuật trong các trường hợp khẩn cấp. Ông cũng chịu trách nhiệm chăm sóc y tế toàn diện cho các thành viên trong gia đình của Tổng thống, Phó tổng thống và hơn 1,5 triệu du khách ghé thăm Nhà Trắng mỗi năm.
O'Connor có 22 năm kinh nghiệm làm bác sĩ trong quân đội Mỹ. Trong quá trình này, ông đã tới 70 quốc gia. Ông từng làm nhiệm vụ cùng Sư đoàn Dù 82, Trung đoàn biệt kích số 75 lục quân Mỹ , Bộ Tư lệnh Đặc biệt Quân đội Mỹ, tham gia chiến đấu ở Iraq, Afghanistan và Bosnia. Ông đã nhận Huân chương Quân y, giải thưởng được trao cho các nhân viên y tế đã hoàn thành trọng trách của mình khi đối mặt với hỏa lực của kẻ thù.
Dưới thời Bush, công việc tại Nhà Trắng của O'Connor chỉ kéo dài ba năm. Ngay sau khi Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, Biden đã yêu cầu ông ở lại. O'Connor vẫn là bác sĩ riêng của tân Tổng thống kể từ đó đến nay.
Hầu hết bác sĩ Nhà Trắng là sĩ quan quân đội tại ngũ hoặc từng phục vụ trong quân đội. Ngay sau khi Obama kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2017, O'Connor ngừng phục vụ quân sự, giữ vai trò chính là bác sĩ của Biden và giám đốc y tế của Đại học George Washington. Ngoài ra, ông là phó giáo sư y khoa, cố vấn y tế cao cấp cho chương trình khoa học sức khỏe tại Trường Y khoa & Khoa học sức khỏe Mỹ.
Tiến sĩ Lud Deppisch, chuyên gia bệnh học, tác giả cuốn sách The White House Physician: A History from Washington to George W. Bush (Bác sĩ Nhà Trắng: Lịch sử từ thời Washington đến George W. Bush), nhận định việc Tổng thống lựa chọn bác sĩ riêng vào vị trí này tương đối bình thường.
"Nhưng hiếm khi Tổng thống nhậm chức cùng một bác sĩ đã chăm sóc họ hơn một thập kỷ. Rất khó để đưa bác sĩ cá nhân đến Washington vì hai lý do. Thứ nhất là mức lương thấp. Thứ hai, việc chăm sóc cho Tổng thống thật ra không thú vị lắm. Chẳng có gì khác lạ cả. Dưới thời George Bush và Barack Obama, mọi chuyện đều bình thường", ông cho biết.
Dù vậy, vị trí này vẫn rất quan trọng. "Họ phải ở bên Tổng thống suốt. Đây là trọng trách lớn lao và kéo dài", ông nói thêm.
Kể từ năm 1928, người chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các đời Tổng thống Mỹ được gọi là "bác sĩ Nhà Trắng". Hiện vị trí này là một phần của Đơn vị Y tế Nhà Trắng, được thành lập năm 1945, trực thuộc Văn phòng Quân đội. Vai trò "bác sĩ Nhà Trắng" đã tồn tại hơn 100 năm, ít nhất kể từ 1898, khi cựu Tổng thống William McKinley tuyển dụng bác sĩ hải quân Presley Rixey làm người chuyên trách sức khỏe. Song thời kỳ này, chưa có tên gọi chính thức cho vị trí trên.
Thục Linh (Theo News Week)