Hội thảo khoa học "Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực điện ảnh" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thu hút 24 bài tham luận từ các nhà khoa học, tổ chức và cá nhân. Các bài tham luận xoay quanh chủ đề tác động của công nghệ tới ngành điện ảnh, vấn đề bản quyền, việc quản lý nội dung phim và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình thực tiễn.
Theo Nguyên Phó Cục trưởng Điện ảnh Đỗ Duy Anh, trụ cột của cuộc cách mạng 4.0 là những phát minh khoa học trong kỹ thuật số (big data), sinh học và vật lý (trí tuệ nhân tạo, người máy). Những công nghệ mới này tác động đến các quá trình sản xuất, phát hành phim và xu hướng thưởng thức của công chúng.
Thạc sĩ Lê Phương Mai - Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - cho biết các thành tựu khoa học từ cuộc cách mạng 4.0 như kỹ xảo điện ảnh, thực tế ảo hay trí tuệ nhân tạo dần được đưa vào các khâu sản xuất, phát hành và quảng bá. Các công ty kinh doanh máy móc chuyên dụng cho việc sản xuất phim ngày càng nhiều. Kỹ xảo điện ảnh cũng dần trở thành ngành độc lập tại Việt Nam. Xưởng phim Én Bạc thuộc Đại học Duy Tân cho biết đang áp dụng những công nghệ như thiết bị không người lái (drones), kỹ thuật in 3D vào sản xuất các phim như Những cánh én đầu tiên.
Bà Ngô Thị Minh Nguyệt - Tổng Biên tập tạp chí Điện ảnh Việt Nam - nói cuộc cách mạng 4.0 giúp cởi bỏ những giới hạn sáng tạo trong các khâu viết kịch bản, biên kịch. Một số tác phẩm như Lôi Báo, Tấm Cám: chuyện chưa kể, Người bất tử... ghi dấu ấn với việc sử dụng nhiều kỹ xảo hiện đại.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng Ngát, trình độ kỹ thuật trong điện ảnh trong nước còn kém so với thế giới. Bà cho biết các rạp phim và tổ chức điện ảnh thuộc nhà nước gặp khó khăn trong thủ tục xin nâng cấp thiết bị, khi hoàn thành thủ tục thì các công nghệ đó đã trở nên lạc hậu. Các nhà làm kỹ xảo trong nước chưa có nhiều cơ hội thử sức trong nhiều dự án điện ảnh tầm cỡ, thường tập trung sản xuất phim quảng cáo, doanh nghiệp. Kinh phí hạn chế không cho phép êkíp thể hiện hết ý tưởng, việc chạy đua công nghệ rất tốn kém.
Thách thức khác đến từ việc thưởng thức điện ảnh của khán giả. Tiến sĩ Trần Quang Minh - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cho biết nhờ sự phát triển của công nghệ, người xem có thể tiếp cận dễ với điện ảnh qua phim chiếu mạng, thay vì đến rạp. Hiện chưa có luật quản lý nội dung và cách phát hành phim chiếu mạng nên nhiều đơn vị thu hút người xem bằng cách đưa vào tác phẩm cảnh bạo lực, đồi trụy. Ông Nguyễn Văn Nhiêm - chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam - nói trong bối cảnh việc kiểm duyệt phim chiếu rạp còn ngặt nghèo, tác phẩm ra rạp bị cắt nhiều cảnh thì khán giả có thể dễ dàng tìm thấy những bản hoàn chỉnh miễn phí trên mạng.
Buổi hội thảo nằm trong chuỗi cuộc gặp các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ngày 11/9, Bộ tiếp tục gặp mặt các nghệ sĩ, cá nhân và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam.
Đạt Phan