Nhóm nhà khoa học chia các tỉnh, thành theo tiêu chí: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp Trên cơ sở này, nhóm đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19, tiếp tục áp dụng cách ly xã hội thêm một thời gian với những địa phương nguy cơ cao; những địa phương khác sẽ được "nới lỏng".
Về đề xuất trên, PGS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng) nhận định "sẽ vừa đảm bảo chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh".
Ông phân tích, thời gian qua, cách ly xã hội mang lại hiệu quả rất tốt. Các ổ dịch cũ được khống chế, không để lây lan, bùng phát ngoài cộng đồng. Dù xuất hiện thêm ổ dịch nhỏ mới, nhưng cơ bản được các địa phương kiểm soát.
"Dịch bệnh có thể còn kéo dài, nên các giải pháp chống dịch phải cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và đảm bảo sức khoẻ người dân. Kéo dài cách ly xã hội trên phạm vi cả nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, có thể khiến nhiều công ty phá sản, hộ kinh doanh nhỏ gặp khó khăn, người lao động mất việc làm", ông Nga nói.
Tuy nhiên, theo ông Nga, nếu không tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thì các ổ dịch mới hiện nay nguy cơ lây lan rộng, bùng phát thành nhiều ổ dịch trong cộng đồng. "Khi đó, số ca nhiễm sẽ tăng lên theo cấp số nhân, chứ không dừng lại ở những con số lẻ tẻ như trong thời gian cách ly xã hội vừa qua", ông cảnh báo.
Vì vậy, PGS Nguyễn Huy Nga cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục duy trì các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt ở những đô thị lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, như Hà Nội, TP HCM, các địa phương quanh Hà Nội... Thời gian kéo dài cách ly xã hội căn cứ vào tình hình dịch tễ cụ thể của mỗi nơi.
"Những vùng nông thôn, địa phương chưa có người nhiễm bệnh hoặc ít nguy cơ, thì cần được nới lỏng để doanh nghiệp, người dân có thể sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn phải giám sát tình trạng sức khoẻ người ra vào", ông đề xuất.
Đồng thời, ông Nga cho rằng cần tích cực điều tra dịch tễ ở những nơi có nguy cơ cao bằng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm bằng máy... để chủ động có phương án ứng phó.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, với những kết quả tích cực đạt được trong kiềm chế Covid-19 thời gian qua, ngày 15/4 là thời điểm thích hợp để Chính phủ cân nhắc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Theo ông Lộc, sau ngày 15/4, Việt Nam nên chuyển sang trạng thái giãn cách xã hội, để có thể khôi phục dần phần lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau", ông Lộc nêu quan điểm và nhấn mạnh, "sống chung với Covid-19 là phương thức kinh doanh trong thời đại dịch".
Ông Lộc cũng khuyến nghị nhà chức trách xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để phân loại và áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp. Những doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao thì kiên quyết ngưng hoạt động. Nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì cho phép sản xuất kinh doanh, nhưng phải có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Ông đề nghị Bộ Y tế chuẩn bị các phương án này để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cũng nhận định, nơi nào có nhiều rủi ro lây nhiễm dịch bệnh thì có biện pháp mạnh hơn, thay vì tiếp tục cách ly xã hội trên toàn quốc. "Những nơi không có nguy cơ cao nên nới lỏng để người dân sản xuất, kinh doanh trở lại. Khả năng cao là dịch bệnh sẽ kéo dài, Chính phủ cần tính toán phương án sống chung với dịch bệnh", ông Du nói.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, đề xuất các doanh nghiệp nên luân phiên lực lượng lao động theo từng ngày.
"Các nhà máy có thể chia theo từng ca làm việc. Một số người có thể bắt đầu từ 7h sáng, một số khác bắt đầu lúc 11h trưa, những người còn lại bắt đầu lúc 3h chiều. Cách này có thể đảm bảo giãn cách xã hội không chỉ trong phạm vi nhà máy mà còn cả ngoài phố nữa", ông Chang-Hee Lee nói.
Ông phân tích, do làm việc theo ca, người lao động cần di chuyển đến nơi làm việc và về nhà theo từng khoảng thời gian khác nhau. Đồng thời, người lao động sẽ đến quán ăn, siêu thị, hàng tạp hoá vào các khung giờ khác nhau, giúp duy trì giãn cách xã hội ở những địa điểm này. "Điều này giúp đảm bảo kinh doanh an toàn, giữ việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời", ông nói.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee cũng khuyến nghị, nhà chức trách cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, đây là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khu vực kinh tế này.
"Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp, nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ", ông Chang-Hee Lee đề xuất.
Dự kiến, tại phiên họp thường trực Chính phủ chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ quyết định các giải pháp chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.