Khi đại dịch kéo dài đến năm thứ hai, nhiều người có chung quan điểm: "Ai rồi cũng mắc Covid-19". Điều này khiến cộng đồng dần chủ quan với mầm bệnh, không thực hiện những biện pháp phòng bệnh cần thiết.
"Đúng vậy, rất có thể bạn sẽ mắc bệnh trong tương lai. Tôi nghĩ rằng một thời điểm nào đó, ai cũng sẽ nhiễm virus. Mọi người bắt đầu chán nản và bỏ cuộc rồi", Helen Branswell, phóng viên của tờ Stat News, cho biết.
Điều này tương đối dễ hiểu bởi khả năng lây lan chóng mặt của virus ở cả người đã tiêm chủng. Nhiều quốc gia chấp nhận sống chung với Covid-19, phần vì cái giá của phong tỏa toàn quốc, giãn cách xã hội quá lớn. Tại châu Âu, tình trạng cao huyết áp, sử dụng ma túy quá liều và vấn đề sức khỏe tâm thần trở thành bài toán khó với giới chức.
Quan điểm "Covid-19 không còn nguy hiểm" cũng bắt nguồn từ thực tế rằng các ca F0 có triệu chứng tương đối nhẹ sau nhiễm virus. Tỷ lệ nhập viện ở trẻ em và người dưới 50 tuổi đã tiêm vaccine còn rất thấp.
Tuy nhiên chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng. Những tháng gần đây, Covid-19 để lại rủi ro đáng kể cho người lớn tuổi đã tiêm chủng. Họ cho rằng còn quá sớm để biết liệu Omicron có khiến tình thế xoay chuyển hay không. Song theo các nhà khoa học, có một luận điểm đáng tin nhất: "Covid-19 vẫn là mối đe dọa với người cao tuổi".
Tiến sĩ Shelli Farhadian, Đại học Yale, cho biết: "Người lớn tuổi có lý do chính đáng để phòng ngừa lây nhiễm, bởi nguy cơ nhập viện của họ rất đáng kể".
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Julia Hippisley-Cox, Đại học Oxford, đã tìm hiểu về rủi ro của Covid-19 với các nhóm tuổi khác nhau. Công trình được xuất bản trên tạp chí British Medical Journal (BMJ), tập san của Hiệp hội Y khoa Anh.
Theo đó, tỷ lệ tử vong sau mắc Covid-19 của phụ nữ trên 75 tuổi đã tiêm vaccine là 0,45%. Tức là cứ 220 người thì có một người tử vong. Nếu rủi ro tương tự ở Omicron, biến chủng có thể gây ra hàng chục nghìn cái chết và nhiều trường hợp nhập viện.
Dù vậy, giới chuyên gia tin rằng nguy cơ của Omicron sẽ thấp hơn. Ba nghiên cứu gần đây cho thấy biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn so với các phiên bản nCoV trước đó.
Các chuyên gia so sánh Covid-19 giai đoạn mới với bệnh cúm mùa. Tỷ lệ tử vong trung bình ở người Mỹ trên 65 tuổi mắc cúm dao động từ 1 trên 75 đến 1 trên 160. Nói cách khác, các phiên bản trước của nCoV gần giống với một chủng cúm nặng. Thông thường, một số năm, dịch cúm sẽ nghiêm trọng hơn.
Janet Baseman, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington, khuyến cáo cộng đồng cẩn trọng. Bệnh cúm giết chết hàng chục nghìn người Mỹ mỗi năm. Bên cạnh đó, Omicron rất dễ lây lan, có khả năng làm quá tải bệnh viện và dẫn đến những ca tử vong dù triệu chứng của người bệnh không quá nặng.
"Chúng ta không nên coi Covid-19 là cảm cúm", tiến sĩ Azra Ghani, Đại học Hoàng gia London, cho biết.
Theo tiến sĩ Baseman, ở kịch bản tồi tệ, người bệnh 70 tuổi mắc Covid-19 có triệu chứng vừa phải, cần được điều trị nhưng không thể đến bệnh viện vì tình trạng quá tải. Tiến sĩ Aaron Richterman, Đại học Pennsylvania, cho biết: "Cần nỗ lực để giảm thiểu khả năng lây truyền, đặc biệt là trong 4 tuần tới".
Giới chuyên gia lưu ý tình trạng này không kéo dài mãi mãi. Tại Nam Phi, số ca Covid-19 mới đã giảm. Điều này cho thấy đợt bùng phát Omicron ban đầu có thể ngắn hơn so với trước đó. Dù vậy, không ai biết điều gì có thể xảy ra trong những tuần tới.
Khi các thông tin còn chưa hoàn chỉnh, cộng đồng nên loại bỏ các hoạt động có tính rủi ro cao, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản như đeo khẩu trang. Các nhà khoa học khuyến khích người dân tăng cường sức khỏe ngay bây giờ nếu đủ điều kiện. Họ lưu ý ngăn ngừa lây nhiễm ở người trẻ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho người già.
Giới chức có thể áp dụng các biện pháp chống dịch ít ảnh hưởng đến kinh tế, như yêu cầu người dân xuất trình thẻ xanh Covid-19 khi vào nhà hàng, đi máy bay; mở rộng khả năng tiếp cận vaccine, xét nghiệm nhanh và điều trị sau nhiễm bệnh; cải thiện hệ thống thông gió trong các không gian công cộng.
Thục Linh (Theo NY Times)