- VFF đang tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia, sau khi ông Hữu Thắng từ chức. Với tư cách một người giàu kinh nghiệm với bóng đá nước nhà, ông có góp ý gì?
- Đối với VFF, có góp ý cũng vô ích thôi. Tôi từng góp ý trực diện bao nhiêu năm rồi họ có tiếp thu và thay đổi đâu. Những người không biết gì về bóng đá mà cứ lên đó ngồi thì góp ý làm gì cho phí lời.
- Vì sao ông phản ứng có vẻ bất mãn đến vậy?
- Gần đây, chúng ta có một số thành tích, như giành vé dự U20 World Cup, tuyển nữ giành HC vàng SEA Games... Nhưng theo tôi, nó không phải bức tranh chung của nền bóng đá. Nó là những mảnh ghép từ nỗ lực của các bộ phận hoặc địa phương mà thôi.
Hôm qua, tôi vô tình xem trên tivi, thấy một cầu thủ trẻ lao đạp thẳng vào ngực của tiền đạo Mạc Hồng Quân, thế mà trọng tài không phạt thẻ đỏ. Rồi VFF lại chỉ ra án phạt hai trận đấu. Vậy thì lấy sức đâu răn đe? Rồi mới đây là câu chuyện HLV phó đuổi đánh cầu thủ đội nhà ở Hải Phòng. Đó mới là những điều phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam lúc này.
- Trở lại với công tác tuyển chọn HLV, ông có giải pháp nào giúp các nhà quản lí tìm được người phù hợp?
- Tôi đã nói rất nhiều vấn đề này rồi. Bao nhiêu năm rồi, các chuyên gia, HLV từ thấp đến cao đều có cả nhưng đến rồi đi. Vì sao? Vì công tác quản lí, vì các nhà lãnh đạo đứng đầu không tạo cho họ niềm tin, cơ hội và thời gian. Chúng ta cứ thua là đổ thừa HLV, trong khi VFF không phải chịu trách nhiệm gì cả. VFF hiện nay tư duy quản lí đã quá cũ rồi, nó như một chiếc xe đạp cà tàng vì xích líp hỏng hết rồi. Do đó, muốn tuyển chọn HLV, trước hết phải cải tổ lại bộ máy điều hành VFF. Chứ nhiều người không biết gì về chuyên môn nhưng ngồi đó mấy chục năm rồi thì không thể có một HLV phù hợp.
- Ý ông đang nói đến bộ phận nào của VFF?
- Đó là Hội đồng HLV quốc gia. Tổ chức này lập ra để làm gì? Rõ ràng, nhiệm vụ là chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, tham gia thường xuyên để tư vấn, góp ý với HLV trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Đằng này, Hội đồng ấy cả năm chắc chỉ họp một lần, rồi đến khi các đội thi đấu thì đến xem. Lẽ ra, họ phải kiểm tra, theo dõi định kỳ để có những góp ý với ban huấn luyện, huấn luyện viên trưởng nhằm xem đội tuyển đã tập luyện đúng hướng hay chưa. Nhưng rốt cuộc, cái tổ chức ấy không góp ý được gì, khi thua thì đổ thừa cho HLV, còn khi thắng thì vơ vào nhận công. Thật bạc bẽo cho các HLV.
- Từng là Giám đốc kỹ thuật, vậy theo ông, vai trò của vị trí này thế nào? Tại sao HLV Hữu Thắng không kết hợp với Giám đốc kỹ thuật Gede trong thời gian đương chức?
- Nói đi cũng phải nói lại, Hữu Thắng có nhiều điều chưa tốt và còn chậm trong khâu xử lý các tình huống phát sinh trên sân. Còn Giám đốc kỹ thuật ư? Đó là những người tham vấn về chuyên môn cho HLV trưởng. Họ thăm dò các số liệu về đối thủ để góp ý với HLV trưởng. Tất nhiên, có thể nghe hay không lại là chuyện khác, vì HLV trưởng là người có toàn quyền quyết định về chuyên môn. Còn tại sao Hữu Thắng không tin dùng Gede? Có thể do ông ấy không giỏi hơn Hữu Thắng, hoặc có một lý do cá nhân nào đó mà chỉ người trong cuộc mới biết.
- Ông cho rằng bóng đá Việt Nam cần những con người có tâm huyết. Nhưng mới đây, một trong những người như thế là bầu Đức đã xin rút lui khỏi VFF. Ông nghĩ sao về điều này?
- Không phải tôi từng làm cho bầu Đức mà khen ông ấy, nhưng rõ ràng, bóng đá Việt Nam khó tìm được một con người nào khác như bầu Đức. Ông ấy đã dốc hết sức mình để cho ra đời những lứa cầu thủ tốt, để mong phục vụ mục đích chung là đội tuyển quốc gia. Nhưng thực tế thì sao? Lứa cầu thủ của ông ấy đá hay như thế, đi đâu cũng kín sân nhưng thường xuyên bị các đội "đánh hội đồng", đá xấu, chèn ép... Cứ như thế thì làm sao phát triển được. Có lẽ vì thế mà bầu Đức nản và xin rút lui. Đó là điều đáng tiếc, nhưng trong thực trạng này, không thể làm khác được.
Đức Đồng