Là một trong 3 trụ cột của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, câu chuyện cải tổ hệ thống ngân hàng nhận được sự chú ý đặc biệt từ các chuyên gia, tổ chức cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
|
Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam- Louis Taylor nhận định, những bất cập về thanh khoản và quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lộ rõ trong thời gian vừa qua. Ảnh: Nhật Minh |
Quan điểm được hầu hết các chuyên gia thống nhất là Việt Nam hiện có thừa các ngân hàng nhỏ với những bất ổn triền miên về thanh khoản cũng như khả năng quản trị rủi ro. Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam- Louis Taylor, những bất cập của tình trạng này đã lộ rõ trong giai đoạn vừa qua, các nhà băng đều gặp khó khăn trong huy động vốn khi lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.
“Để tài trợ cho các khoản cho vay, các ngân hàng phải đua tăng lãi suất. Điều đó tạo nên một thị trường méo mó, nơi mà giá của đồng vốn trở thành yếu tố quyết định, thay vì mức độ an toàn của nhà băng. Người dân sẵn sàng gửi tiền vào một ngân hàng với lãi suất cao dù biết ở đó không an toàn”, chuyên gia người Anh phân tích.
Trong khi đó, theo Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam – Sanjay Kalra , việc duy trì một hệ thống ngân hàng không thực sự lành mạnh đang ảnh hưởng sâu sắc tới niềm tin của người dân vào tiền đồng cũng như làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ. Theo ông Kalra, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái đầu tiên nhắm tới cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ bằng các biện pháp như hỗ trợ trực tiếp hoặc yêu cầu các nhà băng lớn hơn giúp đỡ. Tuy nhiên chuyên gia của IMF cho rằng đây chưa phải là biện pháp mang tính căn cơ.
“Kết quả mang lại có thể sẽ là một sự đánh đồng giữa các tổ chức tín dụng. Ngân hàng tốt phải chi phí thêm, mất đi nguồn lực trong khi ngân hàng chưa tốt không có động lực đề vươn lên. Do vậy, tái cơ cấu triệt để hệ thống ngân hàng vẫn là giải pháp cơ bản nhất”, ông Kalra nhận xét.
Tính cấp thiết của tái cơ cấu ngân hàng, theo ông Alan Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam còn nằm ở vấn đề chi phí bỏ ra. “Hiện Việt Nam chỉ có 4-6 ngân hàng yếu kém. Tất cả đều có quy mô nhỏ nên chi phí để giải quyết không lớn. Nhưng nếu để thêm vài năm nữa, đổ vỡ có thể lây lan sáng các nhà băng quy mô lớn hơn. Hậu quả khi đó sẽ là khôn lường”, chuyên gia người Pháp cảnh báo.
Chủ tịch Eurocham- Alan Cany cho biết, có nhiều nhà băng châu Âu quan tâm đến việc mua lại cổ phần của ngân hàng tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh. |
Về định hướng tái cấu trúc, theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Tomoyuki Kimura, Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là cơ quan quản lý, cần đề ra những tiêu chuẩn hết sức rõ ràng về vốn, an toàn hệ thống đối với tất cả các nhà băng. “Nếu ngân hàng nào không thể đạt được các tiêu chuẩn này, ngân hàng đó phải được đưa vào diện xem xét tái cấu trúc”, ông Kimura đề xuất.
Cũng nhấn mạnh tính minh bạch cần được đề cao trong quá trình này, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam – Sumit Dutta cho rằng quyết định “làm thế nào” đối với các ngân hàng cần căn cứ cụ thể vào tình trạng sức khoẻ cũng như những khó khăn mà nhà băng đó đang gặp phải. “Có ngân hàng khó khăn về vốn, có nơi lại gặp vấn đề về quản trị rủi ro… Do vậy, việc “kê đơn” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể”, ông này nhấn mạnh.
Tuy vây, một giải pháp phổ biến được ông Dutta cũng như nhiều chuyên gia khác nhắc đến khi tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam chính là mua – bán, sáp nhập (M&A) các nhà băng nhỏ với nhau hoặc với ngân hàng lớn hơn. Đây được xem là một quá trình khó khăn nhưng cần thiết nhằm tránh những đổ vỡ lớn có thể xảy ra khi thực hiện tái cấu trúc.
“M&A ngân hàng là một quá trình không đơn giản. Ngoài việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin, các chi nhánh… quan trọng nhất là câu chuyện nhân lực khi rất nhiều người đang làm cùng một công việc nhưng trình độ của họ không tương đương nhau. Nhiều cán bộ quản lý sẽ phải ra đi. Đó là điều tất yếu”, Tổng giám đốc Standard Chartered – Louis Taylor phân tích.
Tuy vậy, xét về điều kiện chung, ông Taylor và nhiều chuyên gia khác đều cho rằng Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi khi bắt tay vào tái cấu trúc ngân hàng, đặc biệt là sự quyết tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như sự sẵn sàng của các nguồn lực bên ngoài. Theo Chủ tịch Eurocham- Alan Cany, hiện có rất nhiều nhà băng châu Âu đang quan tâm tới việc mua lại cổ phần của ngân hàng Việt Nam.
“Do không thể hoạt động tốt tại châu Âu trong điều kiện hiện nay, nhiều ngân hàng tại Đức, Thuỵ Sĩ hay Pháp đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi. Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở châu Âu, ở khía cạnh nào đó, lại là cơ hội cho kinh tế cũng như ngành ngân hàng của Việt Nam”, ông Alan Cany nhận định.
Nhật Minh