Theo bà Nguyễn Thị Hoạt - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), để chọn trái phiếu hạn chế rủi ro, nhà đầu tư có thể căn cứ dự trên bốn tiêu chí gồm chất lượng tổ chức phát hành; cách thức trái phiếu được quản trị rủi ro, sàng lọc trước khi đến tay nhà đầu tư; thông tin trái phiếu minh bạch; có dịch vụ hỗ trợ mua trái phiếu tại đại lý.
Đại diện TCBS cho rằng việc lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ càng từ khâu lựa chọn tổ chức phát hành uy tín, lịch sử trả nợ tốt... Bên cạnh đó, điều rất quan trọng nhà đầu tư nên lựa chọn tổ chức tư vấn phát hành có hệ thống quản trị rủi ro tốt, có quy trình thẩm định và sàng lọc chặt chẽ.
"Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành này thấp hơn 0,5-1%, so với các tổ chức khác, song nhà đầu tư có thể duy trì tiềm năng đầu tư an toàn trong dài hạn hơn", bà Hoạt nói.
Ngược lại, nếu trái phiếu có lợi nhuận cao bất thường, nên tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp, đơn vị phát hành trước khi đưa ra quyết định xuống tiền.
Tại TCBS, chỉ có tổ chức phát hành nào nằm trong danh sách Techcombank quản lý, duy trì quan hệ mới được dùng cho bán lẻ. Công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm uy tín, nhằm tạo ra các sản phẩm toàn diện và gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tự nguyện sẽ góp phần xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Tại các nước kinh tế phát triển, song song với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là lựa chọn rất phổ biến với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội duy trì thu nhập ổn định. Một trong những ưu điểm kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là lợi nhuận kỳ vọng thường cao hơn lãi suất tiết kiệm, an toàn hơn đầu tư cổ phiếu, mua đi bán lại dễ dàng...
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tại Việt Nam giảm sâu, kênh trái phiếu được kỳ vọng thu hút thêm dòng tiền từ nhà đầu tư bởi lợi nhuận hấp dẫn hơn. Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 18% của GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Do đó, chuyên gia TCBS nhận định, kênh trái phiếu vẫn còn dư địa đầu tư trong dài hạn.
Thảo Vân