Theo báo cáo của Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Standford, Mỹ, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu bom hạt nhân trong năm 2018, Reuters hôm nay đưa tin.
Siegfried Hecker, một trong những tác giả của bản báo cáo, cho biết số nhiên liệu này được sản xuất tại một lò phản ứng công suất 5 megawatt trong nhà máy hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên ở Yongbyon từ năm 2016 đến 2018. Ông nói thêm rằng chúng dường như đã được xử lý lại từ hồi tháng 5 năm ngoái, tạo ra khoảng 5-8 kg plutonium cấp độ vũ khí.
Cùng với việc sản xuất khoảng 150 kg uranium được làm giàu, Triều Tiên có đủ khả năng bổ sung thêm 5-7 vũ khí hạt nhân. Nhóm của Hecker ước tính quy mô kho vũ khí của Bình Nhưỡng vào năm 2017 là 30 vũ khí, nên có thể con số hiện nay là 37.
Washington không chắc chắn về số đầu đạn hạt nhân Triều Tiên sở hữu. Năm ngoái, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính Bình Nhưỡng có khoảng 50 đầu đạn, trong khi giới phân tích cho rằng số đầu đạn nằm trong khoảng 20 - 60.
Theo báo cáo của Đại học Standford, Triều Tiên có khả năng tiếp tục tìm cách thu nhỏ đầu đạn để gắn chúng lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng việc ngừng thử nghiệm đã hạn chế đáng kể quá trình cải tiến này.
"Tôi cho rằng Triều Tiên hiện nay bớt nguy hiểm hơn so với cuối năm 2017, bất chấp thực tế là họ có thể đã chế tạo thêm 5-7 vũ khí hạt nhân", Hecker nhận định. Ông cũng giải thích rằng việc Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất vũ khí có thể hiểu được, bởi họ chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào với Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7/2018 cũng nói rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân bất chấp cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng ông khẳng định các cuộc đàm phán với nước này đang tiến triển. Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội sắp tới được kỳ vọng có thể đưa ra biện pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.