"Trong mọi trường hợp, ứng viên tổng thống không đắc cử luôn chấp nhận thua cuộc và đồng ý hợp tác với người chiến thắng. Truyền thống đó có tầm quan trọng to lớn, việc từ chối cam kết rất nguy hại cho đất nước", Phó giáo sư Dan Cassino, Đại học Fairleigh Dickinson, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress.
Trong tranh luận trực tiếp lần thứ ba với bà Hillary Clinton, khi người dẫn chương trình hỏi ông có chấp nhận kết quả bầu cử hay không, tỷ phú Trump đã quanh co và không đưa ra câu trả lời.
"Tới thời điểm đó, tôi sẽ xem xét. Những gì tôi nhìn thấy thật tồi tệ, truyền thông cũng tồi tệ. Họ đầu độc tâm trí của cử tri nhưng không may cho họ cử tri đã nhìn thấu tất cả", ông Trump nói.
Khi người điều phối tiếp tục thúc ép đi vào trọng tâm, tỷ phú cho hay "Đến lúc đó tôi sẽ nói... Tôi sẽ để mọi người chờ trong hồi hộp".
Theo chuyên gia Cassino, tỷ phú Mỹ đến với cuộc tranh luận cuối cùng với tâm thế phải vượt qua được thử thách khó khăn: phải giành lại được một số cử tri không nghiêng hẳn về bên nào và các thành viên đảng Cộng hòa đã quay lưng sau khi ông cáo buộc bầu cử bị dàn xếp và có âm mưu của truyền thông.
Ông Trump đã làm tốt nhiệm vụ này trong 30 phút đầu tiên của cuộc tranh luận, nói về quan điểm của đảng Cộng hòa với các vấn đề như kiểm soát súng và phá thai, thậm chí ngôn ngữ của ông còn sinh động hơn so với các chính trị gia thường xuyên thảo luận vấn đề.
Thế nhưng, theo ông Cassino, những lợi thế của ông Trump ở phần đầu tranh luận không có nhiều ý nghĩa. Các tranh luận có tầm quan trọng không chỉ vì những gì được nói ra, mà vì đoạn clip nào sẽ ồ ạt trên các báo ngày hôm sau.
"Hai đoạn clip chúng ta có thể thấy ngập tràn sau cuộc tranh luận là khi ông Trump gọi bà Clinton là "mụ đàn bà xấu xa" và đoạn ông từ chối cam kết chấp nhận kết của bầu cử nếu ông thua. Phát ngôn của ông Trump sẽ khiến ông khó giành được lá phiếu của những phụ nữ ở khu vực ngoại ô", Cassino đự đoán.
Nhận xét về không khí cuộc tranh luận giữa hai ứng viên hôm nay, Tiến sĩ Chris Haynes, Đại học New Haven, miêu tả nó là câu chuyện có hai phần rõ rệt. Trong nửa đầu, tỷ phú Trump thể hiện được ưu thế, tương đối điềm tĩnh và cử chỉ của ông "lên gân dần" khi nói về vấn đề nhập cư. Tới lúc tranh luận liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tài liệu do Wikileaks công bố, ông Trump trở nên tức giận, liên tiếp ngắt lời đối thủ và bắt đầu mất đi sự kiềm chế. Trong khi đó, trong suốt cuộc tranh luận, cựu ngoại trưởng Clinton tỏ ra tương đối bình tĩnh, vững vàng và để mọi việc trong tầm kiểm soát.
Dù thế, ông Haynes cho hay những người ủng hộ Trump vẫn sẽ yêu thích cách thể hiện của ông và những người ủng hộ bà Clinton cũng yêu quý bà.
"Trong khi người Mỹ có thể bất đồng với nhau một cách kịch liệt về lựa chọn tổng thống của họ, nhưng tất cả có thể thở phào rằng cuộc bầu cử này gần như sắp xong", Haynes nói.
Giáo sư Brian Gaines, chuyên gia tại University of Illinois, cho biết ông Trump đã thể hiện tương đối tốt trong cuộc tranh luận, nhưng chưa đủ để đuổi kịp đối thủ. Có thể tỷ phú Mỹ không bị phản đối thêm nhưng cũng không giành lại được các cử tri đã mất. Trong những tuần còn lại, trước ngày bầu cử, có thể cử tri Mỹ sẽ quan tâm đến các vấn đề như thương mại, an ninh, nhập cư, Syria.
Nhắc lại thời điểm năm 2012, khi Tổng thống đương nhiệm Obama thắng cử lần hai, Phó giáo sư Cassino cho biết ông Trump khi đó đã "gây bão" trên Twitter, kêu gọi thực hiện cuộc cách mạng phá hủy kết quả bầu cử. Tỷ phú phản ứng rất dữ dội trước sự thất bại của ứng viên đảng Cộng hoà khi đó là Mitt Romney, thậm chí kêu gọi người dân biểu tình ở Washington.
"Tôi không biết phản ứng của ông Trump sẽ thế nào nếu ông thua cuộc. Nếu một ứng viên tổng thống nói với người ủng hộ mình rằng không chấp nhận kết quả bầu cử, hoặc tân tổng thống không hợp pháp, có thể dẫn tới những vấn đề chính trị, thậm chí là bạo lực", Cassino bày tỏ lo lắng.
Việt Anh