Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án quy hoạch mở rộng TP Huế từ 70 km2 hiện nay lên 348 km2.
Nêu quan điểm về đề án này, kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, chưa có cơ sở nào để mở rộng phạm vi TP Huế lớn như vậy. Ông đặt ra hàng loạt câu hỏi, như: Mục đích mở rộng để làm gì trong thời điểm hiện nay và trong tương lai? Điều kiện mở rộng đô thị là gì? Chính quyền địa phương đã chuẩn bị những gì?
Theo kiến trúc sư Quang, đô thị Huế mở rộng là xu thế tất yếu trong quá trình hình thành phát triển đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội, nhưng mở rộng thời điểm nào và đến đâu là bài toán phải tính toán kỹ. Nếu không cẩn trọng sẽ không phát huy hiệu quả. Nhà đầu tư bỏ vốn san đất nền đầu tư hạ tầng không bán được trong khi nông dân lại mất đất nông nghiệp.
Nguyên Viện trưởng Quy hoạch Thừa Thiên Huế đề nghị, trước khi mở rộng TP Huế, tỉnh cần đánh giá lại suốt quá trình lịch sử hình thành đô thị Huế hiện hữu, cố đô Huế nói riêng và những đô thị vệ tinh, tốc độ và mức độ đô thị hóa đến đâu để rút ra bài học. Thành phố cần có định hướng sao cho phù hợp, mang tính khả thi, sát thực tế với nguồn lực thực hiện; đánh giá lại các yếu tố điều kiện như tốc độ tăng dân số, tăng trưởng về kinh tế, khu công nghiệp, điều kiện tạo ra sức hút, động lực cho con người, nhà máy, công xưởng... "Mở rộng đô thị mà không có con người thì cũng khó", ông Quang nói.
Huế cần đánh giá lại hướng mở rộng hiện nay đã phù hợp chưa, mất bao nhiêu quỹ đất nông nghiệp, cần hạn chế sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các công trình đô thị bởi một hecta đất nông nghiệp một năm hay 100 năm sau cũng phát huy hiệu quả. Hơn nữa, đất nông nghiệp là vùng trũng, vùng trũng phát triển đô thị là bất lợi. "Trên thế giới, ít khi các quốc gia lấy đất phì nhiêu nông nghiệp làm đô thị", kiến trúc sư Quang nói.
Góp ý với đề án, kiến trúc sư Quang cho rằng, đô thị Huế hiện nay chưa hoàn chỉnh về hạ tầng, giao thông cây xanh, ánh sáng. Chính quyền địa phương phải hoàn thiện đô thị Huế hiện tại để làm nền cho đô thị mới. Đô thị Huế phải có tính đặc trưng, không phải chạy theo nhà cao tầng, mật độ xây dựng san sát như Đà Nẵng hay một địa phương nào đó.
"Sở dĩ Huế hôm nay mọi người còn cảm nhận được Huế bởi vì Thành nội, sông Hương còn lưu giữ được cảnh quan, mật độ cây xanh. Huế phải tạo ra được đô thị đặc trưng của riêng mình", ông Quang nói.
Hơn 20 năm quản lý quy hoạch các dự án nước ngoài ở Việt Nam, thạc sĩ Trương Đình Thạnh đánh giá việc mở rộng thành phố là phù hợp với xu hướng vì sẽ giải quyết nhiều vấn đề về quy mô của một thành phố lớn. Nếu thành phố giải quyết tốt về quy hoạch, khâu đầu tư, triển khai lộ trình bài bản thì đời sống người dân sẽ được cải thiện, bộ mặt đô thị của thành phố sẽ thay đổi.
Hiện nay mật độ dân số của thành phố 300.000-400.000, trong tương lai sẽ phát triển hơn, trong khi đó diện tích của thành phố lại hẹp. Theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch phát triển đô thị, trong 5 năm nữa TP Huế không đáp ứng các điều kiện của một đô thị thành phố. "Huế mở rộng tôi nghĩ là đúng theo xu hướng", ông Thạnh nói.
Tuy nhiên, thạc sĩ Thạnh cũng lo ngại nếu quy hoạch không tốt, không đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến quy hoạch treo, ảnh hưởng đến đời sống người dân, phát triển kinh tế. Hai là khi mở rộng thành phố cần vốn rất lớn, đầu tư lớn về hạ tầng, công trình tiện ích và tỉnh sẽ phải trả lời câu hỏi "Vốn ở đâu?". Ba là việc quy hoạch thành phố quá rộng dễ dẫn đến chuyện đầu cơ đất đai, mất lõi thành phố với sông Hương là trung tâm như hiện nay.
"Cần có lộ trình mở rộng ở xã nào, như thế nào, giữ lại cái gì và cái gì thay đổi. Không nên mở rộng ồ ạt, sẽ phá nát hết cảnh quan đang có. Những làng mạc, công trình mang tính dân gian nên duy trì sẽ tạo nên vệ tinh đẹp cho thành phố khi Huế định hướng phát triển đô thị du lịch", ông Thạnh đề xuất.
Võ Thạnh