UBND TP Đà Nẵng mới đây công bố đồ án quy hoạch phía Ðông và bán đảo Sơn Trà tỷ lệ 1/5000 với mục tiêu cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng phê duyệt.
Quy hoạch được chia thành 10 khu ở và 5 đơn vị chức năng độc lập. Trong đó đất dân dụng khoảng 2.000 ha (41%), các loại đất khác trong phạm vi khu dân dụng khoảng 46 ha (0,9%), đất xây dựng ngoài phạm vi khu dân dụng khoảng 2.900 ha (57%).
Kiến trúc sư Hoàng Sừ, nguyên Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, cho biết quy hoạch này khai thác quá nhiều khu du lịch, biệt thự... với ý tưởng biến một phần không nhỏ Sơn Trà thành khu biệt thự núi (có nhiều khu đã được cấp phép).
Ông Sừ nói, Sơn Trà là độc nhất vô nhị và cũng rất mong manh nên cần được gìn giữ cho mai sau. "Cần nhắc mọi người một sự thật không thể ngờ. Đó là TP Đà Nẵng hiện có diện tích xây dựng khoảng 22.000 ha đô thị, dân số 1 triệu mà chỉ có 61 ha cây xanh. Bình quân 0,6 m2/người =1/10 theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Kiến trúc sư cho biết, nếu Đà Nẵng không có biển, sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, núi Bà Nà thì sẽ là thành phố ngột ngạt nhất Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ Sơn Trà lúc này là trách nhiệm không phải của riêng ai.
Riêng với dự án Khu nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa mới bị phát hiện xây 40 móng biệt thự không phép, ông Sừ cho rằng về mặt pháp lý đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, đã có kế hoạch chuyển đổi đất rừng sang đất khác, khó bắt lỗi chủ đầu tư, nên mới có chuyện giơ cao đánh khẽ, phạt 40 triệu đồng/40 móng biệt thự.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật đầu tư 2014, tại điều 30 quy định thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội thì dự án chuyển đổi đất rừng sang đất khác có quy mô trên 50 ha phải được Quốc hội chấp thuận...
"Không biết Quốc hội có biết và chấp thuận hay chưa? Nhưng qua thực tế này, càng thấy rõ việc đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Sơn Trà là hết sức cấp thiết, trước khi quá muộn", ông Sừ nhấn mạnh.
Thạc sĩ sinh học Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cho rằng việc quy hoạch Sơn Trà sẽ phá vỡ hết hệ sinh thái được hình thành từ xưa đến nay. Trong đó, việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng sẽ chia cắt sinh cảnh rừng, chia tách các loài động vật đang sinh sống, đặc biệt là vọoc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng.
Ông Vỹ lo ngại việc xây dựng những khu nghỉ dưỡng kéo theo điện, tiếng ồn... vào ban đêm, dễ thay đổi tập tính sinh hoạt tự nhiên của các loài động vật hoang dã, ảnh hưởng đến tuổi thọ, khả năng sinh sản.
Quy hoạch cũng khiến diện tích rừng tự nhiên giảm dần, mất tính liên tục của hệ sinh thái từ rừng xuống biển. "Việc xây dựng các công trình nghỉ dưỡng ở độ cao 200 m trở xuống sẽ phá hủy vùng đệm của rừng. Một khi vùng đệm này bị phá thì việc bảo vệ vùng lõi của Sơn Trà, tức là khoảng 2.600 ha rừng đặc dụng sẽ khó giữ", ông Vỹ nói.
Ông Vỹ nhấn mạnh, Sơn Trà là một trong các hệ sinh thái đặc trưng chỉ đếm trên đầu ngón tay của Việt Nam và cực kỳ nhạy cảm, chỉ cần ảnh hưởng một đến hai loài cũng có nguy cơ mất cả bán đảo. "Từ trung tâm Đà Nẵng đến Sơn Trà chỉ 15 phút, tại sao không lưu trú ở dưới mà nhất thiết phải xây dựng những khu nghỉ dưỡng trên bán đảo", ông nói.
Tại buổi họp báo quý I/2017 chiều 27/3, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng Sơn Trà là báu vật thiên nhiên, là lá phổi xanh quý giá của Đà Nẵng, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, từ đây có thể nhìn bao quát quân cảng Đà Nẵng.
Lắng nghe dư luận từ vụ 40 móng biệt thự xây dựng không phép, ông Tuấn cho biết UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bán đảo Sơn Trà.
Riêng các cá nhân, tổ chức liên quan đến công trình trái phép tại bán đảo Sơn Trà, ông Tuấn khẳng định: "Quan điểm xử lý là không xuê xoa. Bản chất thế nào thì trách nhiệm cá nhân, tổ chức phải chịu đến đó".
Nguyễn Đông