Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bàn tới.
Quỹ bình ổn giá được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào, nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) nói quỹ bình ổn giá được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Những bất cập không đến từ mục đích này mà đến từ việc thiếu minh bạch, khó dự báo bởi việc trích, xả quỹ không theo công thức nào. Thực tế, vì lý do này, trong 5 năm từ 2017-2021, liên Bộ Công Thương – Tài chính chi bình ổn khi giá chưa tăng 1.142 tỷ đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá 318 tỷ đồng, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Lo ngại "đây là cơ hội để các doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính nhưng tác dụng không rõ ràng", ông Giang Chấn Tây, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ nói khi góp ý về Nghị định mới đã đề nghị bỏ quỹ này.
Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất bỏ Quỹ bình ổn, đặc biệt sau hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp đầu mối liên quan tới quỹ này được công bố gần đây.
Tuần qua, Chủ tịch Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai bị bắt với cáo buộc sử dụng sai quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bà Mai đã chỉ đạo nhân viên không nộp số tiền trích lập quỹ bình ổn giá vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền quỹ bình ổn giá sai quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước trên 317 tỷ đồng.
Song, Hải Hà Petro không phải là đơn vị duy nhất làm sai quy định. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
Ngoài Hải Hà Petro, hai doanh nghiệp đầu mối khác là Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil cũng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Lý giải nguyên nhân của hàng loạt sai phạm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, bất cập ở chỗ tiền trích quỹ là của người tiêu dùng nhưng quỹ này lại do doanh nghiệp quản lý, cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng. "Chính sự quản lý, vận hành quỹ không chặt chẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp chiếm dụng", ông Phú bình luận.
Cùng đó, nhiều chuyên gia cho rằng Quỹ bình ổn xăng dầu không còn thể hiện được chức năng bình ổn giá, có thể bỏ quỹ này để dần thực hiện cơ chế thị trường với xăng dầu.
PGS. TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá Quỹ bình ổn này không giúp người tiêu dùng giảm chi phí bởi về bản chất, đây vẫn là tiền của người dân ứng trước vào quỹ và được trả lại vào các kỳ điều hành sau nhằm giảm biến động khi giá tăng. Trường hợp giá thế giới biến động quá cao, ông Thế Anh cho rằng việc có quỹ hay không cũng không có nhiều tác dụng bởi mức xả quỹ không đáng kể.
Đây không phải lần đầu các chuyên gia đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá. Năm ngoái, khi sửa Luật Giá, nhiều ý kiến tương tự cũng được nêu.
Các công cụ điều tiết như thuế phí, dự trữ xăng dầu bằng hiện vật cũng được các chuyên gia đề cập tới thay cho Quỹ bình ổn giá bằng tiền.
Chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, nói đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi, cải cách cơ chế điều hành, để giá xăng dầu theo thị trường. Chính phủ muốn bù lỗ, bù giá, theo ông, có thể can thiệp bằng công cụ thuế phí. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, Chính phủ hoàn toàn có thể giảm bớt thuế phí, vốn đang chiếm tới 45% trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay.
Nhắc tới dự trữ bằng nguồn xăng dầu, PGS. TS Phạm Thế Anh nói hiện các nước đã chuyển sang dự trữ bằng hình thức này, chỉ Việt Nam lại dự trữ bằng Quỹ bình ổn giá. Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Thế Ruệ cũng lưu ý tới công tác dự báo cung cầu, tăng khả năng dự trữ xăng dầu bằng hiện vật, thay vì đưa quỹ do dân đóng góp vào làm công cụ điều chỉnh giá. "Nếu không giải được bài toán này, cung ứng xăng dầu sẽ luôn trong thế bị động", ông Ruệ nhấn mạnh.
Liên quan đến dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu, nhiều chuyên gia đồng thuận, thời gian tới nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam cũng tăng lên nên dự trữ xăng dầu quốc gia cũng bắt buộc phải nâng lên mức tương ứng. Nguồn xăng dầu dự trữ chiến lược sẽ giúp bình ổn thị trường, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung.
Năm 2022, cung ứng xăng dầu có thời điểm đứt gãy cục bộ. Theo Bộ Tài chính, đến nay, mức dự trữ quốc gia xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia dầu thô. Con số này thấp hơn nhiều định hướng của Chính phủ. Quyết định 861 năm 2023 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng.
Trong trường hợp Chính phủ vẫn muốn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Nguyễn Đức Độ bày tỏ phải có biện pháp để quỹ hoạt động minh bạch. Những biện pháp được ông Độ nhắc tới là việc trích lập quỹ phải theo quy tắc rõ ràng, ví dụ mức biến động ngưỡng nào mới được trích lập, sử dụng quỹ.
Ông cũng kiến nghị phải thu về một đầu mối quản lý tập trung, tránh trường hợp nhiều cơ quan tham gia quản lý (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp) dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.
Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng, Quỹ bình ổn giá chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông lưu ý, quỹ này có thể hình thành từ nguồn thu vượt dự toán của các khoản thu liên quan đến xăng dầu. "Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô, phần tăng đột biến so với kế hoạch thu ngân sách từ mặt hàng có thể trích ra để đưa vào quỹ bình ổn mà không ảnh hưởng đến dự toán ngân sách", ông đề xuất.
Phương Dung