Sau màn ra mắt gây chú ý tại Paris Motor Show, khách Việt càng tò mò và chờ đợi, đồn đoán về mức giá xe VinFast khi bán ra vào năm sau. Ngoài lời khẳng định "chúng tôi sẽ làm xe cao cấp, mức giá phù hợp", hãng xe của Vingroup vẫn chưa tiết lộ một khoảng giá nào đáng kể.
Các chuyên gia trong ngành phân tích, mức giá xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước phân khúc, lượng tiện nghi, công nghệ an toàn, vận hành, thiết kế cũng như sản xuất, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa... Nhưng tất cả những yếu tố này sẽ chỉ là nền tảng, việc định giá còn ảnh hưởng lớn bởi chiến lược kinh doanh của hãng.
Giám đốc bán hàng và marketing một hãng xe Nhật nhận định mức giá hợp lý khi ra thị trường có thể rơi vào khoảng dưới một tỷ đối với sedan và dưới 1,2 tỷ đối với SUV.
Ông phân tích, định vị sản phẩm là điều vô cùng quan trọng với bất kỳ hãng xe nào. Hãng không thể đưa ra một mức giá cao rồi khi đạt độ lớn thị phần nhất định, thông báo đẩy giá thấp xuống. Cách làm này thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng ngược khi khách hàng trước thấy bị thiệt thòi, nặng hơn là quay lưng với hãng.
Vị này cũng cho rằng Lux A2.0 và SA2.0 có thể không phải là "át chủ bài" của VinFast. Ban đầu, nhà sản xuất có thể tính đến phương án không đặt lợi nhuận là ưu tiên. Sự chú ý và đón nhận, nhất là sản phẩm mới, của hãng mới là điều quan trọng hơn hết khi bắt đầu bước chân vào thị trường. Tầm nhìn dài hạn với những mẫu xe tiếp theo sẽ quyết định lớn đến giá và tương lai kinh doanh của hãng.
Đồng tình với quan điểm này, giám đốc nhà phân phối một thương hiệu xe Đức nhập khẩu ở Việt Nam cho rằng, Hai mẫu SUV và sedan bản thương mại dao động trên dưới một tỷ là hợp lý. Nếu mức giá lên đến 1,4-1,6 tỷ như nhiều đồn đoán hiện nay thì hãng sẽ tự làm khó, bởi dù sao VinFast vẫn còn là một hãng mới.
"VinFast có đi trước những hãng khác 5, 10 năm đi chăng nữa thì cũng cần chừng ấy thời gian, hoặc lâu hơn để tạo dựng thương hiệu, có được lòng tin của khách hàng", ông phân tích. Niềm tự hào dân tộc, phấn khích trước cái mới sẽ nguội theo thời gian.
Vị này chỉ ra rằng, xe đã lăn bánh thì chất lượng, độ bền bỉ cần được kiểm chứng qua vài năm, chưa kể công nghệ, trang bị trên xe vẫn chưa rõ ràng. Nếu sau vài năm, xe VinFast mất giá ít thì niềm tin thương hiệu sẽ lớn hơn, dọn đường cho các sản phẩm mới, nhưng nếu xe mất giá nhiều thì khả năng tiếp cận càng khó khăn.
Phân tích về chiến lược tạo sự chú ý để quảng cáo thương hiệu, Bùi Sinh, người từng giữ những vị trí cấp cao tại các hãng xe sang ở Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận từ xe cao cấp của VinFast là khá khôn ngoan. "Khi đã tạo ấn tượng tốt về sản phẩm cỡ trung trở lên, làm thêm những xe cỡ nhỏ sẽ rất dễ", anh cho biết. Vin không làm ngược lại, bởi thực tế đã chứng minh, những hãng chuyên xe bình dân gặp rất nhiều khó khăn khi mở rộng sản phẩm lên xe sang.
Các chuyên gia đều cho rằng, chi phí đầu tư nhà xưởng, mua dây chuyền sản xuất, công nghệ, sáng chế, quảng bá là rất lớn. Vì vậy, khi đặt giá để xe dễ tiếp cận thị trường, hãng sẽ chấp nhận hòa vốn, thậm chí là lỗ. Mức giá quanh ngưỡng một tỷ sẽ thu hút sự quan tâm hơn, vì có thể trong khả năng của số đông người Việt, vượt qua ngưỡng 1,5 tỷ tập khách hàng sẽ thu hẹp nhiều lần.
Nếu đặt giá khoảng một tỷ, hai mẫu xe của VinFast sẽ có nhiều lợi thế nếu nhìn ở góc độ kỹ thuật. Bản sedan có kích thước tương đương BMW series 5 hay Mercedes E-class, các dòng xe sang cỡ trung, tức to hơn Toyota Camry, Honda Accord. Công nghệ mua của BMW, động cơ, cấu kiện do AVL, Magna phát triển mang chất châu Âu. Hiện Camry khoảng 1,2 tỷ, trong khi series 5 hay E-class trên 2 tỷ.
Tuy vậy, Bùi Sinh cũng cho rằng, phải thật thận trọng với chiến lược giá thấp, bởi lẽ, nếu phản ứng thị trường không đạt được con số tính toán trong kỳ vọng, hãng sẽ bị cuốn vào những cuộc bù lỗ triền miên qua các năm.
Giám đốc kinh doanh một hãng xe Nhật khác lại tỏ ra tin tưởng hơn khi cho rằng VinFast có thể chạy theo chiến lược này bởi tiềm lực lớn của Vingroup. Ông cho rằng hệ sinh thái phong phú mà tỷ phú Vượng tạo dựng có thể hỗ trợ lẫn nhau, nhất là về tài chính.
Niềm tin về cách định giá thấp của VinFast thực ra không phải là trường hợp đầu tiên trong ngành. Trước đó, Trưòng Hải từng khiến các hãng liên doanh đi từ nghi ngờ tới sửng sốt và bị cuốn vào cuộc chạy đua giảm giá xe con liên tiếp giai đoạn 2015-2017. Hãng xe của ông Trần Bá Dương chấp nhận không có lãi để đánh chiếm thị phần, nhiệm vụ kiếm tiền thuộc về các lĩnh vực khác của tập đoàn như xe tải hay bất động sản. Khi đã đạt số lượng, từ 2018 Trường Hải không còn giảm giá xe con để thu lợi nhuận.
VinFast sẽ khó hơn Trường Hải vì chưa có nhiều sản phẩm, vì vậy giới chuyên môn cho rằng dễ hiểu khi hãng này sẽ sớm ra mắt hai mẫu xe nhỏ để phục vụ mục đích doanh số. Với nhà máy mua của GM Việt Nam, sản xuất xe nhỏ dựa trên Spark được đánh giá là cách nhanh nhất để VinFast xâm nhập thị trường.
"Nếu khách hàng đã hào hứng với xe trên dưới một tỷ, việc bán những xe 300-400 triệu sẽ dễ dàng hơn nhiều", một chuyên gia giải thích cho kỳ vọng hai mẫu xe Lux A và Lux SA đặt giá 1-1,2 tỷ.
Thành Nhạn - Đức Huy