Thông tin được chia sẻ tại hội thảo khoa học về Liêm chính nghiên cứu, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 19/12. Thứ trưởng Khoa học và Công Nghệ Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia và nhà khoa học.
PGS. TS Trương Việt Anh, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết hiện tượng đạo văn vẫn tồn tại ở cả các nước phát triển hay đang phát triển. Ông dẫn cơ sở dữ liệu các bài báo trong một số lĩnh vực chỉ ra có 1/16 tác giả tự đạo văn (sao chép các cụm và câu dài) và 1/1000 tác giả đạo văn (sao chép giá trị một đoạn văn từ bài báo của người khác mà không trích).
Nhận diện về liêm chính học thuật, PGS Việt Anh cho biết, đạo văn/tự đạo văn là một trong 5 hành vi vi phạm phổ biến. Đây là kết quả khảo sát, phân tích về liêm chính học thuật từ cán bộ, giảng viên một số trường đại học trong nước. Những hành vi khác là đưa tên người không tham gia vào quá trình làm tác giả, đồng tác giả; làm thuê, làm hộ các công trình khoa học; sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa được đồng ý và sử dụng số liệu giả.
Theo PGS Việt Anh, khảo sát cho thấy nguyên nhân dẫn tới vi phạm chủ yếu đến từ áp lực số lượng công bố cá nhân, tạo cơ hội thăng tiến, cam kết khi nhận nguồn tài trợ và áp lực từ nhu cầu kinh tế cá nhân.
GS. TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết cơ sở giáo dục đại học định nghĩa việc trích dẫn và sử dụng ý tưởng, kết quả của nhà khoa học khác không trung thực được coi là chưa liêm chính. Quy định trích trùng chống đạo văn được áp dụng, song trích dẫn của người khác ở ngưỡng bao nhiêu % sẽ bị coi là vi phạm từ những phần mềm khác nhau lại cho ra số liệu khác nhau. Do đó, ông nhìn nhận cần có công cụ chuẩn và khung quy định để kiểm soát trích dẫn.
GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận thời gian gần đây liêm chính học thuật dù chưa thành quy chế độc lập, song theo ông được lồng ghép rất rõ, thể hiện như việc quét trích trùng, quét sản phẩm của nhà khoa học. Ông cũng kiến nghị "cần có khung quy định về liêm chính, dựa trên nền tảng pháp luật gắn liền với văn hóa và bối cảnh cụ thể".
GS Nguyễn Xuân Hùng, ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech) cũng đề cập tới bộ quy tắc chung về liêm chính nghiên cứu. Ông kể câu chuyện năm 2006 từng bị nói không được đào tạo bài bản về nghiên cứu khoa học. Ông đồng tình cần có bộ quy tắc chung, để từ đó các trường chiếu vào xây dựng bộ quy tắc riêng, cùng với đó là cơ chế hậu kiểm và chế tài xử lý nếu vi phạm.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận trong các ngành nghề, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đòi hỏi sự liêm chính đặc biệt cao, bởi những thứ mà các nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ. Song, "các vi phạm về liêm chính rất tinh vi", ông nói.
Tại Hội đồng triết học xã hội mới đây, 24 đề tài được trình lên nhưng chỉ thông qua khoảng hơn 30%. Ông nhấn mạnh việc xuất hiện "tri thức rác", tri thức giả khoa học sẽ không tìm được nhà khoa học chân chính.
"Bên cạnh mũ chung về luật, cần xây dựng đơn vị tiên phong đầu ngành mang tính chất dẫn dắt làm gương, xây dựng nguyên tắc lớn với các tiêu chí chung về khoa học", ông nói và kiến nghị việc các hoạt động nghiên cứu phù hợp thông lệ thế giới, nhưng cũng cần nghiên cứu tính toán, truyền thông tránh tình trạng đấu tố giữa các nhà khoa học.
Qua các ý kiến nêu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định liêm chính là khái niệm "mở" nên cần nghiên cứu và thống nhất, có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện.
Ông cho biết đã đến lúc phải lắng nghe ý kiến cộng đồng khoa học, phối hợp giữa hai Bộ nhằm đôn đốc thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính. Ông cũng nhấn mạnh khi chưa có điều tra minh chứng về vụ việc liên quan liêm chính, không nêu tên cụ thể và không quy kết gây ảnh hưởng đến nhà khoa học và tập thể khoa học.
Thứ trưởng đề xuất những việc cần làm ngay. Với chính sách, sẽ nghiên cứu sớm để sớm xây dựng cơ sở dữ liệu áp dụng khoa học công nghệ, có cơ sở dữ liệu liên thông đề tài, tạo tài nguyên quản lý cho nhà nước. Ở cấp độ nghiên cứu, đặt ra tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển tạp chí theo hướng nào. Thứ trưởng cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được xem xét để lồng ghép vào các điều khoản khi thay đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Như Quỳnh