Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân mà trọng tâm là lò phản ứng hạt nhân mới dự kiến được khởi công xây dựng trong năm nay. Lò phản ứng này sẽ thay thế cho lò cũ ở Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt hiện nay. Tuy nhiên, do Bộ KH&CN và tỉnh Lâm Đồng chưa thống nhất địa điểm nên kế hoạch xây trung tâm chưa thể thực hiện.
Bộ Khoa học chọn khu đất hơn 100 ha ở tiểu khu 151A, phường 12, cách trung tâm Đà Lạt 12 km; còn Lâm Đồng đề nghị địa điểm cách Đà Lạt 30-40 km, trong đó khả thi nhất là xã Đa Nhim, cách trung tâm thành phố 32 km, trên trục đường Đà Lạt - Nha Trang. Lý do địa phương đưa ra là sợ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và khách du lịch. Hai bên vẫn đang chờ quyết định từ Thủ tướng.
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, địa điểm Bộ Khoa học đưa ra có mặt bằng tương đối rộng và đất chắc chắn. Khu đất rộng hơn 100 ha này thuộc Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nằm cạnh Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và đều thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nên chọn xây ở đây là hợp lý.
"Các nước phát triển xây dựng lò phản ứng ngay trong trường học mà vẫn an toàn", ông Phát nói và dẫn chứng Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC) có vị trí ngay trung tâm kinh tế lớn của Ấn Độ là Mumbai. Lò hạt nhân này còn được thiết kế có công suất điện 300 MW, trong khi lò mới của Trung tâm là 15 MW.
Giáo sư Phát cho rằng, Trung tâm xây dựng gần với Viện hạt nhân Đà Lạt, nơi có các cán bộ đang làm việc sẽ tạo thành khối liên kết liền kề nhau. "Nếu đưa Trung tâm cách Đà Lạt khoảng 20-30 km thì sẽ không thu hút cán bộ lên làm việc. Hiện Viện nghiên cứu ở Đà Lạt còn khó thu hút cán bộ, huống hồ di chuyển địa điểm cách 20-30 km", ông Phát nói.
Theo nhà khoa học này, nếu Trung tâm ở cách Đà Lạt 20-30 km thì nên dừng và có thể chuyển sang xây dựng ở miền Bắc.
Một chuyên gia hạt nhân khác cũng đồng tình quan điểm trên. Ông cho rằng, lò phản ứng mới này có công suất 15 MW và có lượng phóng xạ thấp hơn rất nhiều so với một trong 4 lò phản ứng sẽ xây dựng ở Ninh Thuận sắp tới. "Lò ở Ninh Thuận chỉ cách Phan Rang 20 km, vì thế người dân không đáng lo sợ. Lò mới ở Đà Lạt lại được đội ngũ hơn 30 năm kinh nghiệm tham gia xây dựng, vận hành", ông này nói.
Theo đại diện của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nếu di dời ra khoảng 30 km thì Trung tâm sẽ không thu hút được cán bộ, chuyên gia giỏi đến nghiên cứu, cũng như sẽ khó phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển điện hạt nhân và số tiền 500 triệu USD đầu tư sẽ không hiệu quả.
"Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang hoạt động ở trung tâm thành phố hơn 30 năm nay, chưa gây ra ảnh hưởng gì tới cuộc sống người dân và khách du lịch", ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh.
Hương Thu